Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Cổ phần hóa Vinacafe khó cũng phải làm

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, việc cổ phần hóa Tổng công ty Càphê Việt Nam (Vinacafe) "khó mấy cũng phải làm."
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Cổ phần hóa Vinacafe khó cũng phải làm ảnh 1Đóng gói sản phẩm càphê tan Vinacafe. (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)

Liên quan đến ý kiến cho rằng hiện nay, tiến trình cổ phần hóa Tổng công ty Càphê Việt Nam (Vinacafe) theo phương án Chính phủ đã phê duyệt giai đoạn 2015-2017 còn chậm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết theo lộ trình, Vinacafe sẽ bắt đầu thực hiện các bước để cổ phần hóa trong quý 3 năm nay. Nếu như tiến độ đạt được như kế hoạch thì ngày 18/5, Vinacafe phải chuyển sang công ty cổ phần.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Vinacafe hiện có diện tích đất đai trên 34.000ha, trong đó, có khoảng 16.000ha diện tích càphê (80%) là diện tích tái canh nên có ý kiến cho rằng năng suất càphê còn thấp.

Bên cạnh đó, hầu hết diện tích càphê này đã được giao cho các hộ nông dân theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, việc cổ phần hóa đang gặp vấn đề phức tạp là đất của công ty càphê có một phần là của đồng bào dân tộc. Vì vậy, việc giải quyết đất đai giữa người nhận khoán (người mới đến) và đồng bào thiểu số phải đảm bảo về vấn đề an ninh xã hội.

“Điều này không đơn giản như một nhà máy muốn cổ phần hóa là cổ phần hóa ngay được. Tuy nhiên, dứt khoát là khó mấy cũng phải làm và làm trong thời điểm nào mà thôi," Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết thêm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hai Tổng công ty đang thực hiện cổ phần hóa là Vinacafe và Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Đối với Tổng công ty Lương thực miền Bắc thì việc này không gặp vấn đề gì lớn.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ cổ phần hóa Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) và Tập đoàn Cao su Việt Nam.

Theo đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kết quả thực hiện cổ phần hóa của Vinacafe còn khiếm tốn. Trong số 18 công ty chuyển từ công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, mới chỉ thực hiện chuyển đổi được ở 5 công ty.

Để đẩy nhanh tiến độ vào tháng 10/2016, Vinacafe đã có văn bản trình Bộ điều chỉnh phương án tái cơ cấu và trên cơ sở đó, Vụ Quản lý doanh nghiệp đã tham mưu lãnh đạo Bộ để trình Chính phủ điều chỉnh phương án tái cơ cấu đối với đơn vị này.

Phương án đề ra là cùng một lúc sẽ cổ phần hóa cả công ty mẹ và các công ty thành viên nhằm thu hút các nhà đầu tư chứ không để các nhà đầu tư mua nhỏ lẻ. Phương án này nếu được thực hiện sẽ đảm bảo được tiến độ cổ phần hóa đối với Vinacafe, đồng thời nâng cao được trình độ quản lý của Vinacafe sau cổ phần hóa, giữ được ổn định về đất đai và lao động của đơn vị.

Theo phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp và tái cơ cấu Tổng Công ty càphê Việt Nam giai đoạn 2015-2017 của Thủ tướng Chính phủ, việc cổ phần hóa đối với Công ty mẹ - Tổng Công ty càphê Việt Nam được thực hiện vào năm 2017 và Nhà nước nắm 51% tổng số cổ phần.

Thủ tướng cũng phê duyệt chuyển công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Tổng Công ty càphê Việt Nam nắm giữ 51% tổng số cổ phần. Việc này thực hiện trong năm 2016 đối với 18 công ty, trong đó có Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên càphê Việt Đức, càphê Việt Thắng, càphê Ea Sim, càphê Ea Tiêu, càphê 715B, càphê Đ’Rao, càphê 49, càphê 716, càphê 720, càphê 721, càphê Ia B’Lan, càphê Ia Grai, càphê 704, càphê 731, càphê 734, càphê Đắk Nông.

Tổng Công ty càphê Việt Nam phối hợp với các nhà đầu tư khác thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu và người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường. Ngay trong năm 2016, thực hiện với 3 đơn vị là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên càphê 715A, càphê 715C, càphê Ea Ktur.

Theo phương án đề ra, trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên càphê Ea Ktur không chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên được thì thực hiện hình thức giải thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục