Thủ tướng Trudeau chịu áp lực lớn do tình trạng bất ổn ở Canada

Các nhóm thổ dân bản địa Canada đã phản đối dự án đường ống khí đốt tự nhiên và hiện đã trở thành vấn đề phức tạp hơn liên quan đến quy trình quản lý và quyền của thổ dân.
Thủ tướng Trudeau chịu áp lực lớn do tình trạng bất ổn ở Canada ảnh 1Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Nguồn: AFP/TTXVN)

BBC mới đây đăng bài viết nhận định Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang phải chịu áp lực từ nhiều phía.

Trước tiên là cuộc xung đột xuất phát từ sự phản đối của các nhóm thổ dân bản địa đối với dự án đường ống khí đốt tự nhiên và hiện đã trở thành vấn đề phức tạp hơn liên quan đến quy trình quản lý và quyền của thổ dân.

Cuộc xung đột này đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình khiến phần lớn hệ thống đường sắt của Canada bị tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước này.

Những vấn đề trên đã tạo áp lực lớn đối với Thủ tướng Trudeau, vốn đang nỗ lực thực hiện cam kết tìm ra một hướng đi cho Canada, giúp cân bằng giữa phát triển dầu khí, quản lý môi trường và hòa giải với thổ dân.

Dưới đây là năm lý do tại sao tình trạng bất ổn hiện nay ở Canada là một vấn đề lớn:

Tin không tốt lành cho Thủ tướng Trudeau

Các cuộc xung đột ở Canada thời gian qua đã buộc chính phủ của Thủ tướng Trudeau phải tạm dừng dự án đường ống khí đốt tự nhiên Coast GasLink.

Đây là dự án khai thác tài nguyên mới nhất bị bế tắc vì vấp phải sự phản đối của một số nhà hoạt động môi trường và các nhóm thổ dân First Nation.

[Chuyên gia quan ngại khả năng ứng phó dịch COVID-19 của Canada]

Các đối thủ chính trị của ông Trudeau đã lợi dụng cuộc khủng hoảng này để phê phán, chỉ trích "sự lãnh đạo yếu kém" của Thủ tướng trong việc xử lý các cuộc biểu tình, phong tỏa đường sắt thời gian qua và bảo vệ nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Họ cũng đang đổ lỗi cho ông Trudeau về những khó khăn của ngành dầu khí Canada.

Hơn nữa, nhiều người Canada cũng cảm thấy thất vọng về Thủ tướng Trudeau.

Một cuộc thăm dò do tờ National Post công bố mới đây cho thấy gần 60% số người Canada được hỏi ý kiến không nghĩ rằng đất nước của họ đang đi đúng hướng, trong khi 63% ý kiến nói rằng ông Trudeau "không lãnh đạo tốt."

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì đường sắt tê liệt và các nông trang "đang chết cóng"

Các cuộc biểu tình phong tỏa khiến nhiều bộ phận thuộc hệ thống đường sắt xuyên quốc gia Canada dừng hoạt động trong những tuần qua.

Gần 1.500 nhân viên đường sắt phải tạm thời nghỉ việc và nhiều lĩnh vực phải vật lộn với tác động của các cuộc biểu tình này, trong đó có cả ngành nông nghiệp.

Nông dân đang bị "căng thẳng thực sự" trong bối cảnh thiếu hụt đậu nành và propane.

Khoảng 80% propane và 65% đậu nành của của tỉnh Quebec được vận chuyển bằng đường sắt.

Propane được sử dụng để sưởi ấm cho các trang trại nuôi gia súc và là một nhiên liệu rất quan trọng trong mùa Đông ở Canada.

Các công ty hoảng sợ trước tình trạng bấp bênh

Chuyên gia Harrie Vredenburg thuộc Đại học Calgary cho rằng Canada có truyền thống là một môi trường ít rủi ro về chính trị đối với hoạt động đầu tư. Điều này giúp Canada trở thành nhà xuất khẩu dầu khí lớn thứ tư thế giới. Nhưng tình trạng bất ổn trong tiến trình phê duyệt và quản lý đang ảnh hưởng tới lợi ích kinh doanh trong lĩnh vực này.

Ông nhấn mạnh một công ty có thể mất nhiều năm để có được sự chấp thuận của nhóm thổ dân First Nations và các nhà hoạt động môi trường.

Gần đây, công ty khai khoáng Teck Resources đã rút đơn xin khai thác một mỏ cát dầu lớn ở phía Đông Bắc tỉnh Alberta.

Công ty cho biết thị trường vốn toàn cầu, các nhà đầu tư và khách hàng đang tìm kiếm những nơi dung hòa giữa khai thác tài nguyên và chống biến đổi khí hậu - điều vẫn chưa tồn tại ở đây.

Cảm giác "xa lánh" khu vực phía Tây ngày càng tăng

Phục hồi kinh tế ở tỉnh Alberta đang có xu hướng chậm lại. Những khó khăn của ngành dầu mỏ cách đây vài năm đã khiến tỉnh Alberta mất hơn 100.000 việc làm và lâm vào suy thoái kinh tế.

Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10/2019, các tỉnh giàu tài nguyên ở bờ Tây là Alberta và Saskatchewan đã quay lưng lại với đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau vì chính sách của chính quyền Trudeau không mang lại lợi ích cho họ.

Một số dự án đường ống dẫn dầu - được xem là rất quan trọng để tiếp cận thị trường toàn cầu - đã bị "treo," làm tăng thêm nỗi thất vọng.

Một số thủ hiến các tỉnh miền Tây cũng bất đồng với ông Trudeau về sáng kiến chống biến đổi khí hậu của chính phủ.

Những thách thức đối với sự hòa giải và quyền của thổ dân

Thủ tướng Trudeau lên nắm quyền hứa hẹn sẽ thay đổi mối quan hệ của chính phủ liên bang với cộng đồng thổ dân.

Karen Joseph, Giám đốc điều hành của tổ chức Reconciliation Canada, nói rằng Canada đang ở "giai đoạn rất sớm của tiến trình hòa giải" với nhiều thách thức mang tính hệ thống.

Chính phủ Canada có nhiệm vụ tham khảo ý kiến của thổ dân trước khi bắt đầu bất kỳ dự án nào trên đất của họ. Nhưng có sự mơ hồ xung quanh các quy tắc tham vấn - một trong những gốc rễ của tình trạng bất ổn gần đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục