Tiền Giang, Bình Phước, Quảng Ninh kích hoạt các biện pháp chống dịch

Trước tình hình COVID-19 diễn biến căng thẳng, Tiền Giang, Bình Phước và Quảng Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Tiền Giang, Bình Phước, Quảng Ninh kích hoạt các biện pháp chống dịch ảnh 1(Ảnh minh họa: Công Mạo/TTXVN)

Trước tình hình COVID-19 diễn biến căng thẳng, Tiền Giang, Bình Phước và Quảng Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Tiền Giang: Phong tỏa một phần của xã Nhị Quý và Tân Hội (thị xã Cai Lậy) để phòng, chống dịch COVID-19

Liên quan đến ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng tại tỉnh Tiền Giang (bệnh nhân số 8430), chiều 5/6, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Cai Lậy Trần Văn Thức đã ký Quyết định số 2296/QĐ-UBND phong tỏa một phần của 2 xã Nhị Quý và Tân Hội (thị xã Cai Lậy) để phòng, chống COVID-19.

Cụ thể, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã Cai Lậy, Ủy ban Nhân dân thị xã Cai Lậy quyết định phong tỏa Tổ nhân dân tự quản số 12, ấp Quý Thành, xã Nhị Quí với diện tích 18ha, 34 hộ dân và 154 nhân khẩu và Tổ nhân dân tự quản số 1, ấp Quý Thạnh, xã Tân Hội với quy mô 19ha, 64 hộ dân và 228 nhân khẩu.

Thời gian phong tỏa từ 17 giờ ngày 5/6/2021 cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa, tất cả nhân dân đang sinh sống trong khu vực không ra khỏi khu phong tỏa, trừ trường hợp chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đặc biệt khác phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương; đồng thời phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế khuyến cáo, nhất là tuân thủ Thông điệp 5K.

[Bắc Giang: Điểm nóng nhất về dịch COVID-19 ở Việt Nam với 3.000 ca mắc]

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Thảo cho biết, ngày 5/6, Bộ Y tế đã công bố ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang là bệnh nhân số 8430 (nam giới, cư ngụ thị xã Cai Lậy, Tiền Giang), là F1 của bệnh nhân số 6292.

BN8430 đã được cách ly; ngày 3/6 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tỉnh Tiền Giang đã truy vết và xác định được 60 trường hợp F1, 81 F2, 263 F3.

Các trường hợp F1 đã chuyển cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả 41 trường hợp âm tính lần 1, các trường hợp còn lại chưa có kết quả. Các trường hợp F2 cho cách ly tại nhà; đồng thời tiếp tục theo dõi, giám sát sức khỏe các trường hợp F3.

Bình Phước không để "đứt gãy" chuỗi sản xuất, kinh doanh

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước vừa có văn bản khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và chỉ đạo của Tỉnh uỷ Bình Phước về phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh lưu ý, cần chủ động sáng tạo triển khai các giải pháp để ổn định tình hình kinh tế-xã hội, không để "đứt gãy" chuỗi sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan đến sinh kế của người dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và các địa phương, đơn vị tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thực hiện tự đánh giá và cập nhật bản đồ an toàn COVID-19.

Ban quản lý khu công nghiệp yêu cầu các doanh nghiệp, khu công nghiệp vận động các doanh nghiệp sản xuất theo ca, giãn cách trong từng phân xưởng và nhà ăn; tổ chức khử khuẩn trong nhà máy sản xuất, khu nhà ăn của công nhân; yêu cầu các chủ phương tiện vận chuyển người lao động đảm bảo các quy định phòng, chống dịch gồm: giãn cách, sử dụng 50% công suất vận chuyển; mở cửa sổ và hạn chế sử dụng điều hòa; vệ sinh khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần vận chuyển người lao động; thực hiện 5K; yêu cầu 100% công nhân cài đặt Bluezone trên điện thoại thông minh.

Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở Y tế chủ trì phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh tìm kháng nguyên SARS-CoV-2 hằng tuần cho các công nhân có nguy cơ cao.

Để kiểm soát dịch COVID-19, hiện tỉnh Bình Phước đã thành lập 5 chốt kiểm soát trên các trục đường chính vào địa bàn nhằm sàng lọc và xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với những người có nguy cơ cao; thành lập 3 tổ công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch trong khu công nghiệp.

Đối với việc vận chuyển hàng hóa, tỉnh Bình Phước yêu cầu các phương tiện vận chuyển khách, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải lên phương án vận chuyển hàng hóa, danh sách phương tiện, lái xe, người bốc xếp, dỡ hàng hóa theo xe, các điểm/khu vực bốc xếp dỡ hàng hóa; xét nghiệm và tiêm phòng cho lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa.

Riêng tại các khu công nghiệp, lái xe vận chuyển hàng hóa phải ngồi tại xe và khai báo y tế, xuất trình giấy tờ để chốt kiểm soát, khai báo cho người bốc xếp, dỡ hàng hóa theo xe; mang theo giấy chứng nhận xét nghiệm và giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 (nếu có) do các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp.

Đối với xe khách liên tỉnh không được dừng, đỗ trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Tỉnh Bình Phước có đường biên giới dài 260 km giáp Campuchia, đồng thời nằm trên trục giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Nguyên. Những ngày qua, các chốt kiểm soát các trục giao thông qua địa bàn đã sàng lọc và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hàng nghìn trường hợp từ các tỉnh, thành về địa bàn tỉnh.

Đến nay Bình Phước chưa có trường hợp nào mắc COVID-19. Tỉnh đang tập trung cả hệ thống chính trị cùng người dân bảo vệ thành quả chống dịch trong thời gian qua để vừa bảo đảm sức khoẻ cho người dân, vừa phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Quảng Ninh thực hiện phòng, chống dịch ở khu công nghiệp, cửa khẩu theo nhiều tầng nấc

Ngày 5/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp trực tuyến với các địa phương và sở, ngành để rà soát các quy trình, phương án phòng, chống dịch COVID-19 ở Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, khu vực cửa khẩu, chốt kiểm soát dịch ra vào tỉnh, khu công nghiệp, trung tâm thương mại và chợ dân sinh.

Tiền Giang, Bình Phước, Quảng Ninh kích hoạt các biện pháp chống dịch ảnh 2Người dân làm thủ tục khai báo y tế tại chốt cầu Bạch Đằng, Quảng Ninh. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19 phải quyết liệt và gắn trách nhiệm tới từng sở, ngành, địa phương, từng cá nhân.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Công tác phòng, chống COVID-19 tại các khu công nghiệp, khu cửa khẩu phải được thực hiện thành nhiều tầng; phải coi đây là pháo đài bất khả xâm phạm.

Với phương châm kiểm soát từ bên trong và tập trung phòng chống xâm nhập từ bên ngoài, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác phối hợp, cập nhật, bổ sung và điều chỉnh kịp thời những lỗ hổng trong quy trình, phương án phòng, chống dịch để chủ động tấn công; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình đó.

Riêng đối với các chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ ra, vào tỉnh, các địa phương cần đầu tư, quan tâm nâng cao điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; tăng cường tuyên truyền tới nhân dân thực hiện khai báo y tế điện tử từ trước để giải phóng nhanh phương tiện.

Hiện nay, ở 10 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa ngõ tỉnh Quảng Ninh vẫn còn tình trạng xe dù núp bóng cá nhân để vận chuyển khách, một bộ phận người dân không hợp tác, trốn tránh khai báo và khai báo không trung thực.

Đối với khu công nghiệp, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, việc thực hiện thông điệp “5K” tại một số nơi chưa thực sự đảm bảo, nhất là tiêu chí giữ khoảng cách,; việc quản lý công nhân khu công nghiệp, tại nơi ở trong khu dân cư còn gặp khó khăn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu đối với các trung tâm thương mại, chợ dân sinh, các địa phương phải nâng cao cơ chế kiểm soát trong phòng, chống dịch, đặc biệt là việc giữ khoảng cách. Các sở, ngành, địa phương phải xử lý nghiêm các cơ sở không thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch để tăng thêm tính răn đe, đảm bảo giữ vững địa bàn an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục