"Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát tải trọng xe"

Để giảm tình trạng xe chở hàng quá tải trọng đang diễn biến phức tạp, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện.
"Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát tải trọng xe" ảnh 1Kiểm tra tải trọng xe tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động Tiền Giang. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù có sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát tải trọng xe, song tình trạng xe chở hàng quá tải trọng vẫn diễn biến phức tạp.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ về các giải pháp tăng cường kiểm soát tải trọng xe thời gian tới.

- Ông có thể đánh giá chung kết quả triển khai chủ trương kiểm soát xe chở quá tải trọng trên toàn quốc thời gian qua?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Bộ Giao thông Vận tải hiện có 63/63 trạm kiểm soát tải trọng xe hoạt động với sự phối hợp của gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ công an; ngành giao thông vận tải huy động 1.334 cán bộ thanh tra giao thông và 548 cán bộ thanh tra thực hiện kiểm soát tải trọng xe bằng nhiều giải pháp khác nhau như dùng bộ cân xách tay, kiểm soát tải trọng xe ngay bến các kho hàng, bến bãi, tuyên truyền vận động các chủ hàng, chủ xe, doanh nghiệp vận tải...

Hiện có 61/63 địa phương tổ chức kiểm soát 24/24 giờ và các ngày trong tuần (còn lại hai địa phương chưa thực hiện chế độ này là Tây Ninh và Lạng Sơn).

Từ ngày 16/12/2013 đến 31/5/2014 (kết quả kiểm tra liên ngành), các trạm kiểm soát tải trọng xe đã dừng, kiểm tra 103.528 xe ôtô, phát hiện và lập biên bản 24.856 trường hợp vi phạm, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 77 tỷ đồng, tạm giữ 536 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 14.011 trường hợp; đã xử lý hạ tải đối với 7.236 phương tiện vi phạm, với 32.944 tấn hàng.

Điều đáng quan tâm là thông qua công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giúp cho cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, người lái xe phần nào đã nhận thức được việc triển khai thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện là nhiệm vụ chính trị, chủ trương đúng đắn nhằm góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, đồng thời là tiền đề cho sự phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải, góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ.

Thông qua công tác kiểm tra tải trọng phương tiện cũng đã phát hiện một số nội dung chưa phù hợp với thực tế, Bộ Giao thông Vận tải đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu sửa đổi bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đồng thời cũng là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

- Cụ thể, trong quá trình thực hiện chủ trương tăng cường kiểm soát tải trọng xe đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc gì thưa ông?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Trước tiên phải khẳng định công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đã được triển khai đồng bộ và đã đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chủ trương này đã gặp một số khó khăn, vướng mắc như nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về vận tải hàng hóa bằng xe ôtô của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe còn hạn chế; một số tỉnh còn khó khăn về vị trí, mặt bằng đặt trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động; thiếu về lực lượng, nhân sự để thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện theo chế độ 24/7.

Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc bố trí kinh phí cho các lực lượng làm việc tại trạm; còn một số ít địa phương chưa chủ động phối hợp thực hiện, chưa thực hiện kiểm soát 24/24 giờ; trình độ nghiệp vụ bốc xếp và cố định hàng hóa trên xe ôtô của đa số các lái xe và chủ hàng còn hạn chế dẫn đến hiện tượng vi phạm quy định về tải trọng trục.

Việc thực hiện kết nối các phương thức vận tải đang còn ở giai đoạn đầu, chưa được tập trung nguồn lực và kinh phí thực hiện, một số nội dung triển khai còn mang tính chất thực hiện thí điểm; công tác cải cách hành chính đã được triển khai thực hiện nhưng vẫn còn phiền hà, chưa thực sự công khai, minh bạch.

Còn có cán bộ, công chức, viên chức sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp; cá biệt còn có trường hợp làm sai quy định và bị xử lý kỷ luật (đã xử lý đình chỉ chức danh đối với 52 đăng kiểm viên, 1 nhân viên nghiệp vụ); việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân,... cơ bản đã được giải quyết nhưng còn chậm về thời gian, một số trường hợp còn lúng túng (đối với xử lý cấp phép vận chuyển hàng hoá siêu trường, siêu trọng ).

- Vậy Bộ Giao thông Vận tải đã có chỉ đạo gì nhằm giải quyết những vướng mắc nói trên?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Để giải quyết những tồn tại, khó khăn trên, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang triển khai thực hiện thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, đã kiến nghị Chính phủ cho phép và Bộ đã ban hành Công văn số 8034/BGTVT-VT ngày 3/7/2014 đề nghị Bộ Công an và ủy ban nhân dân các tỉnh các lực lượng tạm thời chưa xử phạt tải trọng trục nếu xe không vi phạm tổng khối lượng tham gia giao thông và vi phạm chở hàng hóa vi phạm vượt tải trọng thiết kế dưới 10%.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tiếp tục tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vận tải đường bộ, yêu cầu các kho cảng, bến bãi, nhà ga, các doanh nghiệp, chủ xe, quản lý chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ôtô ngay tại gốc, đảm bảo đúng trọng tải mới cho xe xuất phát.

Bộ cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý từ gốc những vi phạm về xếp hàng hóa trước khi xe tham gia giao thông; tăng cường tuần tra xử lý các xe ôtô tránh, vượt trạm kiểm soát tải trọng xe, đỗ chờ ở hai phía của trạm kiểm soát tải trọng xe; đầu tư các trạm cân cố định tại các trạm thu phí BOT và trên mạng lưới quốc lộ; tăng cường đầu tư mua sắm các bộ cân xách tay để trang bị cho lực lượng thực thi công vụ ở địa phương, cả cấp huyện; Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra đối với xe vận tải hàng hóa tự đổ và xe khách giường nằm.

Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo và ban hành các thông tư thay thế các thông tư hướng dẫn Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải với mục tiêu tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án kết nối các phương thức vận tải để giảm tải cho đường bộ.

Cụ thể là đã triển khai Công bố tuyến vận tải ven biển (Quảng Ninh đi Quảng Bình và ngược lại), tiếp tục nghiên cứu các tuyến đường thủy ven biển từ miền Trung đi Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và giữa Đồng bằng sông Cửu Long với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu; kết hợp hài hòa giữa vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy để vận chuyển hàng hóa và hành khách từ Hải Phòng đi Lào Cai; tăng cường năng lực vận tải hàng hóa trên tuyến đường sắc Bắc-Nam.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu nâng cao năng lực xếp dỡ tại các cảng sông, nhà ga đường sắt; tái cơ cấu mạng đường bay, tối ưu hóa đường bay để giảm chi phí vận chuyển; tăng số tuyến nội địa, xúc tiến thực hiện mở đường bay quốc tế...

- Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai những biện pháp gì nhằm thực hiện quyết liệt và đồng bộ chủ trương kiểm soát xe quá khổ, quá tải, ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm, góp phần khai thác lâu dài các công trình cầu đường và bảo đảm an toàn giao thông, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Ngoài việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, trong đó tập trung thực hiện những nội dung sau:

Rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận tải hàng hóa bằng xe ôtô, hoạt động kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn; xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch quy định việc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 12593 và phối hợp báo cáo lãnh đạo hai Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an.

Tiếp tục thực hiện giải pháp siết chặt công tác quản lý cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ.

Rà soát, cắm đầy đủ các biển báo tải trọng cầu, đường để người tham gia giao thông biết thực hiện và làm căn cứ để xử lý vi phạm quá tải trọng cầu, đường; cắm biển cấm dừng xe, đỗ xe tại những nơi có tình trạng nhiều xe chở hàng quá trọng tải dừng...

Giải pháp tiếp theo là nâng cao công tác quản lý nhà nước về vận tải đường bộ, giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý kho cảng, bến bãi, nhà ga, các doanh nghiệp, chủ xe, quản lý chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ôtô ngay tại gốc, đảm bảo đúng trọng tải mới cho xe xuất phát; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay từ nơi xếp hàng hóa trước khi xe tham gia giao thông.

Các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xếp hàng hóa lên xe ôtô vượt quá trọng tải thiết kế của xe; tăng cường tuần tra xử lý các xe ôtô tránh, vượt trạm kiểm soát tải trọng xe...

Các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục phối hợp với Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông, các đoàn thể xã hội, các Hiệp hội nghề nghiệp và các cơ quan thông tin đại chúng… tích cực tuyên truyền về hoạt động kiểm soát tải trọng xe với nhiều nội dung và hình thức....;

Tiếp tục thực hiện kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không để giảm áp lực cho vận tải đường bộ; thiết lập môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng, lành mạnh, có cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức vận tải.

- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục