Tiếp viên hàng không Vietnam Airlines: Làm nghề với 'tâm niệm 3T'

Tiếp viên hàng không Vietnam Airlines luôn được đào tạo để ứng phó với các tình huống cấp cứu hành khách trên chuyến bay, đem đến sự hài lòng và tin tưởng về lòng yêu nghề.
Tiếp viên hàng không Trần Trà My của Vietnam Airlines, người đứng thứ 3 từ trái sang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tiếp viên hàng không Trần Trà My của Vietnam Airlines, người đứng thứ 3 từ trái sang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong suốt quá trình hạ cánh, một nữ hành khách nằm duỗi thẳng chân và được đắp một chiếc chăn trùm gần kín người trên ghế ngồi, mắt nhắm chặt đôi lúc nhăn nhó, xen lẫn từng hơi thở nhè nhẹ tỏ rõ vẻ mệt mỏi sau khi bị ngất xỉu.

Ngồi kế bên, tiếp viên hàng không Trần Trà My vẫn luôn kiểm tra thân nhiệt, dõi đôi mắt chăm chú về phía khách rồi thi thoảng buông câu nói nhỏ nhẹ: “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi!”

Hành khách như người nhà

Trên chuyến bay VN385 Haneda (Nhật Bản)-Hà Nội của Vietnam Airlines ngày 2/7 vừa qua, tiếp viên hàng không Trần Trà My (25 tuổi, Hà Nội), người có thâm niên bay được 2 năm đang đi dọc lối đi trong khoang khách để kiểm tra việc thắt dây an toàn, ghế ngồi, chuẩn bị cho việc hạ cánh.

Khi đến gần khoang bếp, một hành khách đang chờ phía bên ngoài bất ngờ đổ gục xuống sàn, ngất xỉu tại cửa nhà vệ sinh. Ngay lập tức, Trà My vội vã chạy tới và kiểm tra tình hình đồng thời kêu gọi trợ giúp của Tiếp viên trưởng và các đồng nghiệp khác.

“Chị có ổn không, chị cảm thấy bị đau ở chỗ nào,” My nhanh nhảu hỏi vị khách đang co quắp nằm trên sàn máy bay. Lúc đó, Trà My thấy khách vẫn có phải ứng nhưng khi hỏi thì không thể nói thành tiếng.

[Nữ nhân viên hàng không Vietnam Airlines có bốn năm đón Tết ở sân bay]

Nhớ lại những bài học trong trường và qua quá trình làm việc đã gặp một số trường hợp này, cô Tiếp viên trẻ phán đoán, với những trường hợp khách bị ngất xỉu, một trong những nguyên nhân là do thiếu máu lên não. Do đó, Trà My đã nghĩ đến bước sơ cứu ban đầu là để khách nằm, nâng chân lên cao để máu dồn về não dễ dàng hơn, đồng thời kiểm tra phản ứng của khách.

Trong khi đồng nghiệp báo cáo tình hình cho tiếp viên trưởng, Trà My tiếp tục kiểm tra mạch và thân nhiệt của hành khách. Tiếp viên trưởng đọc phát thanh tìm kiếm và kêu gọi sự trợ giúp của bác sỹ trên máy bay đồng thời thông báo Cơ trưởng để gọi trợ giúp y tế tại sân bay Nội Bài.

Không tìm được bác sỹ trên chuyến bay, các thành viên trong tổ đã đưa hành khách nằm lên ghế theo sự chỉ đạo của tiếp viên trưởng để kịp cho máy bay hạ cánh. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các thành viên trong tổ nên quá trình sơ cứu được diễn ra nhanh chóng và đảm bảo an toàn cho hành khách để máy bay thực hiện việc hạ cánh.

Để đôi chân khách duỗi thẳng trên đùi, sau khi được Tiếp viên trưởng phân công ngồi cạnh để theo dõi khách, Trà My luôn kiểm tra thân nhiệt, đắp chăn và tiếp tục trò chuyện.

“Chỉ chừng 5 phút nữa là máy bay hạ cánh xuống sân bay rồi, chị cảm thấy người như thế nào? Có còn lạnh lắm không?,” My vừa nói vừa nắm chặt tay khách, cô biết rằng dù vị khách nữ chưa thể phản ứng trả lời lại nhưng sẽ cảm nhận được hơi ấm và sự an tâm.

Chia sẻ thêm về công tác phối hợp xử lý trường hợp khách gặp vấn đề sức khỏe trên chuyến bay, anh Vi Quốc Bảo, Tiếp viên trưởng chuyến bay VN385 cho biết: “Đối với các trường hợp khách gặp vấn đề sức khỏe trên chuyến bay, công tác sơ cứu ban đầu rất quan trọng vì điều này đảm bảo hiệu quả cứu chữa cho hành khách sau đó.”

Trên chuyến bay lần này, anh Bảo nhìn nhận, tổ Tiếp viên đã phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng thực hiện sơ cứu hành khách, liên lạc mặt đất hỗ trợ trong khi vẫn tiếp tục phục vụ tốt các hành khách khác trên chuyến bay và đảm bảo an toàn bay.

“Sau khi hạ cánh, toàn bộ phi hành đoàn rất vui mừng vì hành khách bị ngất đã tỉnh táo và có biểu hiện sức khỏe tốt hơn,” anh Bảo hồ hởi nói.

Làm nghề với một “tâm niệm 3T”

Tốt nghiệp khoa Kinh tế đối ngoại (Đại học Ngoại Thương Hà Nội), Trà My được gia đình định hướng làm kinh doanh hoặc công việc văn phòng Nhà nước liên quan đến đúng ngành nghề học. Thế nhưng đến giờ, My thừa nhận Tiếp viên hàng không chính là công việc đầu đời và sự tình cờ.

Trong một lần ngồi tìm tài liệu trên máy tính, Trà My vô tình thấy được những bức ảnh của bạn tiếp viên Vietnam Airlines đi du lịch trên mọi miền đất nước, tới những Quốc gia mà nhiều người muốn có cơ hội đặt chân tới.

Tò mò click chuột vào xem, Trà My không thể rời mắt khỏi những bức ảnh đó và hàng loạt những suy nghĩ cứ liên tục phát ra trong đầu với câu hỏi “Tại sao mình không thử? Liệu mình có đủ sức được không?”

Tìm những yêu cầu về hồ sơ tuyển Tiếp viên Vietnam Airlines, Trà My mạnh dạn đến nộp rồi bước vào quá trình tuyển chọn. Khi ngày cầm tờ giấy thông báo đỗ, điều đầu tiên cô làm là hét thật to và gọi về nhà thông báo “Con làm được rồi”.

[Tiếp viên hàng không: ‘Tết này mẹ đón Giao thừa ở nước nào?]

Kể về quãng thời gian 2 năm làm nghề, My thành thật bảo, tính chất của công việc vô cùng vất vả nhưng lòng yêu nghề cũng như được nuôi dưỡng đam mê từ các anh, chị đi trước đã giúp cô có thêm động lực và cố gắng để hoàn thành tốt công việc.

“Có lẽ ai cũng nghĩ tiếp viên hàng không đơn thuần là người phục vụ hành khách thông thường, mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất mà hãng bay có. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, tiếp viên còn là những người đảm nhiệm các vấn đề sức khoẻ của khách, đó là một quá trình học tập bài bản và đòi hỏi sự nhanh nhạy trong việc xử lý sức khoẻ bất thường của hành khách,” Trà My chia sẻ.

Tiếp viên hàng không Vietnam Airlines: Làm nghề với 'tâm niệm 3T' ảnh 1Tiếp viên hàng không Trần Trà My trong một lần du lịch tại Nhật Bản. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong quá trình đào tạo, các thầy cô đã dạy bảo kỹ lưỡng và nhấn mạnh về việc sơ cứu sức khoẻ hành khách là vô cùng quan trọng. Đội ngũ tiếp viên hàng không bắt buộc phải học định kỳ hàng năm với những bài học tình huống liên quan đến an toàn và sức khoẻ của hành khách và cách giải quyết vấn đề này.

“Bản thân mỗi tiếp viên phải luôn luôn ghi nhớ và thực hiện tâm niệm nguyên tắc ‘3T đó là tận tâm, tận lực, tận tình’ của Vietnam Airlines đưa ra. Khi mỗi chuyến bay hạ cánh, sự hài lòng của khách chính là phần thưởng cao quý dành cho nghề,” Trà My nhoẻn miệng cười.

Với đặc thù nghề phải di chuyển nhiều và đòi hỏi thường xuyên vắng mặt trong các dịp lễ, Tết, My luôn tự nhủ với suy nghĩ “mình là người phục vụ hành khách, luôn mang đến cho họ những hành trình trên các chặng bay khắp mọi miền. Nếu ngày đó cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc thì chính là lễ, Tết của các tiếp viên."

Do đó, cô chưa có định nghĩa mình sẽ thiệt thòi hơn người khác. Mỗi lần khi trở về nhà, thấy My vui vẻ, nở nụ cười trên môi thì người thân đã hiểu rằng: “Con gái hôm nay lại làm tốt công việc của mình trên máy bay rồi. Chỉ một khoảnh khắc đơn giản dành cho nhau dù ít mà lại là nhiều, là ngắn ngủi nhưng thật sâu sắc.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục