Tìm cách lan tỏa phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Để phát huy hết tiềm năng, nội lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần có cơ chế, giải pháp cụ thể hơn trong huy động nguồn lực phục vụ kết nối giao thông.
Tìm cách lan tỏa phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù hạ tầng giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đã được cải thiện nhưng việc kết nối với các tỉnh, thành lân cận vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc lan tỏa phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Do đó, để phát huy hết tiềm năng, nội lực của vùng kinh tế này, cần có cơ chế, giải pháp cụ thể hơn trong huy động nguồn lực phục vụ kết nối giao thông.

Đây là nội dung được nhiều đại biểu đề cập tại Hội nghị Triển khai đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 12/7.

[15 năm phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam]

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin trong thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được quan tâm đầu tư, đặc biệt là các công trình trọng điểm, các công trình kết nối với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam... góp phần giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng và thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố.

Tính đến cuối năm 2020, tổng chiều dài đường bộ là 4.734,7km, tỷ lệ đất dành cho giao thông là 12,2%, mật độ đường giao thông là 2,2km/km².

Việc kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông được quan tâm, triển khai được nhiều dự án theo hình thức BT, BOT như: đường Phạm Văn Đồng, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm 2...

Theo quy hoạch, kết nối giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có đầy đủ 4 phương thức (đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không). Tuy nhiên, hiện nay một số trục kết nối mới đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư.

Do đó, liên kết giữa hệ thống giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh với hệ thống giao thông các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn thiếu và gặp nhiều khó khăn (mạng lưới đường còn thiếu, sự liên kết còn yếu,…) dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra, đặc biệt là vào các dịp Lễ, Tết; chi phí vận tải hàng hóa tăng cao, làm ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội của vùng. Vận tải đường sắt, đường thủy chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ông Phan Công Bằng, khả năng huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn, đặc biệt chưa có hệ thống đường vành đai hoàn chỉnh, chưa đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các nút giao thông quan trọng, các tuyến đường trục chính nội đô.

Luồng tuyến giao thông thủy liên kết vùng không đồng cấp, nhất là về độ sâu. Tuyến giao thông thủy huyết mạch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phải qua kênh Chợ Gạo, nhưng tuyến kênh này vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. Hệ thống logistics rất yếu kém, hầu như chưa hình thành.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh mặc dù được cải thiện nhưng không đáng kể, chưa đồng bộ không đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng; việc kết nối giao thông của các tỉnh trong vùng vẫn chưa được sự hỗ trợ và đồng thuận cao. Vận tải đường sắt, đường thủy hầu như chưa được quan tâm. Việc hợp tác trong kêu gọi đầu tư còn hạn chế, chưa có cơ chế đề xuất các nguồn lực hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương.

Tìm cách lan tỏa phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh 2Đoạn tuyến đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Nguyên nhân là do nguồn lực của một số tỉnh trong vùng còn khó khăn nên có một số hạn chế nhất định trong việc thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng có tính kết nối vùng, do đó cần thiết phải cần sự đầu tư đúng mức từ ngân sách trung ương.

“Chính phủ cần sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng vùng; trong đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Chính phủ, Quốc hội cơ chế áp dụng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về việc giao thẩm quyền cho Hội đồng vùng quyết định Chủ trương đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng đi qua nhiều địa phương trong vùng mà quy định của Pháp luật về đầu tư xây dựng (Luật đầu tư công, Luật Xây dựng, quy định về dự án PPP,…) còn chưa đầy đủ, còn tồn tại vướng mắc trong quá trình thực hiện,” ông Phan Công Bằng nêu kiến nghị.

Cùng quan điểm, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng để phát huy được lợi thế, tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải.

“Trung ương và địa phương phải phối hợp tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ; đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không trọng điểm, cảng hàng không quan trọng quốc gia; phấn đấu xây dựng thành phố sân bay tại Đồng Nai; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đường sắt nhẹ Biên Hòa-Thủ Thiêm, Biên Hòa-Vũng Tàu,” ông An nhấn mạnh.

Đề xuất các giải pháp, ông Phạm Bình An cho rằng quan trọng nhất là cần có cơ chế khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công-tư (PPP) gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Đến năm 2030, phải hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ kết nối nội vùng Đông Nam Bộ và liên vùng, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế…

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh có sức hút và sức lan tỏa lớn đối với nguồn vốn đầu tư vào thành phố và đầu tư của thành phố ra vùng Đông Nam bộ và cả nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Ngoài ra, vai trò đầu mối xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng cũng giảm dần, cả tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu so cả nước.

Theo bà Mai, sự phối hợp, phát triển vùng dựa trên khai thác những tiềm năng và lợi thế của từng địa phương trong thời gian qua còn nhiều bất cập, phân bổ vốn không hợp lý để vùng tiếp tục phát triển. Hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương trong vùng, giữa các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển thời gian qua chưa được đầu tư đồng bộ, quá tải, dẫn đến sử dụng các nguồn lực kém hiệu quả, ảnh hưởng đến phát triển của vùng.

Vì vậy, để khắc phục các tồn tại hiện nay, Chính phủ và các Bộ, ngành cần mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng, nâng cao tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của địa phương trong một số lĩnh vực quản lý đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường và ngân sách; đồng thời, nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cụ thể hóa phát triển vùng Đông Nam Bộ thành vùng năng động, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Đặc biệt, cần ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm; tập trung vốn cho quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong các vùng kinh tế trọng điểm, có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục