Tìm hiểu nguồn cơn khiến "cơn bão lửa" bùng phát ở Ai Cập

Ai Cập đang ở trong tình trạng báo động cao sau khi một nhân vật của Tổ chức Anh em Hồi giáo tiết lộ mục tiêu chiến thuật của phong trào Hồi giáo này là "tống khứ" Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi.
Tìm hiểu nguồn cơn khiến "cơn bão lửa" bùng phát ở Ai Cập ảnh 1Cảnh sát Ai Cập tăng cường an ninh tại thủ đô Cairo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuần báo The Arab Weekly vừa có bài phân tích về tình hình tại Ai Cập, trong đó có những diễn biến liên quan đến tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) - lực lượng luôn bị coi như “cái gai trước mắt” chính quyền Cairo.

Theo The Arab Weekly, Ai Cập đang ở trong tình trạng báo động cao sau khi một nhân vật của MB tiết lộ rằng mục tiêu chiến thuật của phong trào Hồi giáo - vốn bị đặt ngoài vòng pháp luật và từng có lịch sử ám sát nhiều nhà lãnh đạo chính trị - là "tống khứ" Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi.

Seif Abdel Fattah, một giáo sư ngành khoa học chính trị của Đại học Tổng hợp Cairo, vốn làm cố vấn cho Morsi trước khi ông này bị lật đổ hồi năm 2013 và sau đó chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập hàng ngũ các nhân vật của MB khác sống lưu vong ở đây. Abdel Fattah tuyên bố phế truất Sisi là điều kiện tiên quyết đối với MB để có thể quay trở lại và “giải cứu” đất nước.

Mặc dù kênh truyền hình Mekameleen bị chính thức cấm hoạt động ở Ai Cập nhưng nhiều người dân nước này vẫn xem được qua mạng và những bình luận của Abdel Fattah đã được phát tán rộng rãi trên truyền thông sở tại.

Tổng thống Sisi bị coi là kẻ thù của MB vì vai trò trung tâm của ông trong vụ lật đổ ông Morsi và việc tổ chức này bị cấm hoạt động ở Ai Cập.

MB còn được hiện diện công khai ở quốc gia Bắc Phi này vì tổ chức này bị chính quyền Cairo trấn áp thẳng tay. Hiện ở Ai Cập có nhiều lo ngại rằng có nhiều tổ chức hoạt động mà thực chất MB “núp bóng” đằng sau.

Mặc dù những tuyên bố mới đây của ông Abdel Fattah không phải là mới, nhưng chúng đã tạo ra một “cơn bão lửa” ở Cairo, đặc biệt trong lực lượng an ninh Ai Cập.

Các cơ quan an ninh của nước này được cho là đang rà soát tất cả mọi hoạt động, kế hoạch an ninh xung quanh Tổng thống Sisi sau lời đe dọa của Abdel Fattah.

Khaled Okasha, thành viên Hội đồng Tối cao chống khủng bố, cơ quan cố vấn của Tổng thống Ai Cập, cho rằng “những tuyên bố như vậy đã khiến các cơ quan an ninh hết sức lưu ý, họ đang thay đổi các kế hoạch an ninh xung quanh Tổng thống… Chúng có thể là một dấu hiệu về việc các chiến binh MB bắt đầu hành động."

Cairo tuyên bố một số nhóm khủng bố đang hoạt động ở Ai Cập có quan hệ với MB. Ai Cập đã chiến đấu chống lại một chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Bán đảo Sinai trong vài năm qua.

[Ai Cập tuyên án tử hình hàng chục người với tội danh giết người]

Các nhóm khủng bố địa phương khác cũng hoạt động trên lãnh thổ Ai Cập, trong đó có một số nhóm có liên hệ với MB. Những lời đe dọa từ MB được các lực lượng chức năng Ai Cập hết sức chú ý là vì tổ chức này đã có lịch sử chuyên ám sát các quan chức Ai Cập.

Tổ chức này là một lực lượng chính trị lâu đời tại Ai Cập, được thành lập từ năm 1928. MB đã thực hiện vụ ám sát Thủ tướng Mahmoud el-Nokrashy Pasha vào năm 1948. Vụ ám sát Tổng thống Anwar al-Sadat hồi năm 1981 cũng được xem là một những vụ ám sát gây chấn động thế giới.

Dưới thời Tổng thống Sadat, Ai Cập ký thỏa thuận với Israel trại David vào năm 1978, trong đó nêu ra "khuôn khổ cho hòa bình ở Trung Đông."

Ba năm sau, vào ngày 6/10/1981, ông bị bắn bởi các tay súng trong khi đang theo dõi màn biểu diễn trên không tại một cuộc diễu hành quân sự. Sau cái chết của ông Sadat, hơn 700 người đã bị bắt và 25 trong số đó đã được đưa ra xét xử. 5 người bị hành hình và 17 người khác bị kết án tù và lao động khổ sai.

Các tay súng MB đã từng thừa nhận tiến hành nhiều vụ tấn công vốn khiến nhiều cảnh sát và binh sỹ Ai Cập thiệt mạng.

Hồi tháng 10/2016, một nhóm thuộc MB tuyên bố đã sát hại một trung tướng lục quân, người đã phát hiện các đường hầm dưới lòng đất được IS sử dụng để chuyển lậu vũ khí và các chiến binh giữa Sinai và Gaza. Mối quan hệ giữa MB và IS ở Sinai đã được quân đội Ai Cập xác nhận.

Tháng 6/2013, Mohamed Beltagy, một nhân vật cấp cao của MB tuyên bố các cuộc tấn công do IS ở Sinai tiến hành nhằm vào lực lượng cảnh sát và các binh sĩ Ai Cập sẽ chỉ chấm dứt khi Morsi quay trở lại nắm quyền. Hồi tháng 6/2015, các tay súng IS ở Sinai đã ám sát Tổng công tố Ai Cập Hesham Barakat.

Các nhà phân tích cho rằng MB có thể bắt tay với nhiều tổ chức khủng bố khác, như IS, để tấn công Tổng thống Sisi.

Munir Adib, một chuyên gia về các vấn đề liên quan đến các phong trào Hồi giáo, cho hay: "Họ (MB) không thể hành động một mình, những năm trước thì có thể làm được điều đó. Những tuyên bố của Abdel Fattah nên được hiểu là MB đang trong quá trình chuẩn bị để tăng cường hành động bạo lực trong những ngày tới."

Nhà chức trách Ai Cập cáo buộc MB đứng đằng sau vụ tấn công bất thành nhằm vào một nhà thờ ở Đông Cairo hồi tháng trước. Kẻ đánh bom liều chết được cho là có mối quan hệ với MB.

Ông Sisi hiện đang có nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Lời đe dọa của MB đã làm dấy lên những câu hỏi về người kế vị ông Sisi ở Ai Cập khi cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tới dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2022.

Chuyên gia về các nhóm Hồi giáo và khủng bố, Sameh Eid nhận định: “MB nhận thức rõ rằng sự hiện diện chính trị của tổ chức này sẽ vĩnh viễn bị xóa sổ nếu họ dám cả gan ám sát Tổng thống. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông Sisi sẽ kết thúc, điều này có nghĩa cần phải bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc ai sẽ thay thế ông ta"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục