Tín dụng chính sách: Tiếp sức dân no ấm, gìn giữ phên dậu Tổ quốc

Những cán bộ của Ngân hàng Chính sách đã mang sứ mệnh của mình đưa vốn tín dụng chính sách đến cùng đồng bào xóa đói giảm nghèo, bám đất, bám rừng giữ gìn từng tấc đất, phên dậu của Tổ quốc.
Tín dụng chính sách: Tiếp sức dân no ấm, gìn giữ phên dậu Tổ quốc ảnh 1Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng kiểm tra thông tin tín dụng chính sách tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo Đoàn công tác do Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng dẫn đầu, vượt qua các cung đường đèo quanh co, khúc khuỷu uốn lượn như dải lụa vắt ngang giữa trời mây, chúng tôi trở lại tỉnh Điện Biên một chiều cuối thu rực nắng vàng hắt lên những dải núi tím bạc hùng tráng và bí ẩn biên cương phía Tây Tổ quốc.

Về huyện khó khăn, xa xôi nhất Nậm Pồ rồi lên Mường Nhé, thêm một lần chạm tay vào cột mốc số 0 điểm cực Tây Tổ quốc giao điểm biên giới ngã 3 Việt-Lào-Trung càng thêm cảm nhận sự trọn vẹn thiêng liêng của chủ quyền quốc gia và lòng tự hào dân tộc.

Lại càng thêm tự hào là những cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội mang sứ mệnh và trọng trách của Đảng và Nhà nước đưa vốn tín dụng chính sách đến cùng đồng bào xóa đói giảm nghèo, bám đất, bám rừng giữ gìn từng tấc đất, phên dậu của Tổ quốc.

[Vốn tín dụng chính sách: Dành phần vốn thích đáng cho người nghèo]

Xã Si Pa Phìn thuộc huyện Nậm Pồ hôm nay không còn những mùa hoa anh túc, thay vào đó là những mùa vàng của lúa, ngô đạt năng suất và chất lượng cao, cùng đàn gia súc đang ngày một mở rộng mang no ấm lại gần hơn với người dân nơi đây. Ở một vùng đất địa hình phức tạp, giáp biên giới, lại thêm phong tục và nguồn lợi siêu khủng từ nhựa thuốc phiện mang lại nên việc xóa bỏ cây anh túc những năm trước không dễ dàng chút nào.

Ngày đó, chính quyền huyện phải thành lập những đoàn công tác vận động bà con từ bỏ trồng cây thuốc phiện, hướng người dân sang trồng lúa nước, đưa những mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao để người dân học tập nhân rộng cùng sự trợ lực tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Như gia đình chị Mùa Thị Sánh, 32 tuổi ở thôn Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. Vay 50 triệu đồng mua một cặp trâu sinh sản hồi đầu năm 2016, sau hơn 2 năm đàn trâu nhà chị đã có 4 con, chị vừa bán một con được 30 triệu mua chiếc máy cày và trả nợ ngân hàng.

“Với số nợ còn lại 32 triệu đồng, chỉ cần bán 1 con là đủ trả nốt nợ vẫn lãi được 2 con, điều đó cho thấy hiệu quả của nguồn vốn chính sách xã hội,” Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng chia sẻ.

Ước mong đổi đời từ chăn nuôi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của những người dân Si Pa Phìn đã và đang được chắp cánh cùng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cả xã có 1.089 hộ, thì có đến 987 hộ là đang vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ 42,7 tỷ đồng. Con số đó cũng đủ thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp cận được 100% các hộ vay có nhu cầu và đủ điều kiện vay.

Nguồn vốn tín dụng chính sách càng thêm quý khi Nậm Pồ là huyện khó khăn nhất trong tỉnh với 97,8% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao nhất 69,18%; Thái chiếm 18,50%; Dao chiếm 4,15%, Khơ Mú chiếm 1,58%; 8/15 xã biên giới giáp với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Chỉ nhìn doanh số cho vay từ năm 2015 đến 31/10 là 362 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho 12.773 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần nâng mức thu nhập bình quân năm của người dân so với năm 2015 từ 7,73 triệu đồng/người/năm lên 11,9 triệu đồng/người/năm.

Tín dụng chính sách: Tiếp sức dân no ấm, gìn giữ phên dậu Tổ quốc ảnh 2Nhờ vay vốn chính sách mà nhiều hộ đồng bào ở thôn Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đã thay đổi hẳn cuộc sống. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chia tay Nậm Pồ, chúng tôi vượt 120km đi hơn 3 giờ đồng hồ để sang Mường Nhé ngay trong đêm, kịp sớm mai lên đường về với Sín Thầu. Con đường qua các xã biên giới dài 80 km vắt giữa hư ảo sương mây trắng ôm ấp những dãy núi điệp trùng, rồi dần rõ theo những tia nắng ngày mới với hai ven đường rực sắc dã quỳ.

Ký ức về xã “4 không” (đường-điện-trường-trạm) đã được xóa bỏ, thay vào đó Sín Thầu lại tự hào về cái “4 không” khác mà khó xã nào trong huyện Mường Nhé có được: Xã duy nhất trong huyện không có người nghiện - không có tình trạng phá rừng - không di cư tự do - không tuyên truyền đạo trái phép.

Nói về Sín Thầu, hay rộng ra là Mường Nhé, cũng là hữu duyên khi cùng được thành lập cách đây 17 năm. Dù Ngân hàng Chính sách xã hội có “sinh sau, đẻ muộn” hơn chút, song hơn 17 năm qua trên mảnh đất này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số Hà Nhì ở xã Sín Thầu chuyển đổi từ làm nương sang trồng lúa nước.

Nguồn vốn tín dụng đến 100% thôn, bản không chỉ ở Sín Thầu mà trải đủ trên cả 11 xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé trong 5 năm qua đã tạo điều kiện cho 12.017 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống với tổng doanh số cho vay 348 tỷ đồng. Từ đó giúp hơn 1.055 hộ vượt qua ngưỡng nghèo đưa tỷ lệ hộ nghèo trung bình của huyện hàng năm giảm 5,1%.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý cho biết không phải vì phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội thì quan tâm hơn mà bởi vì ông trân trọng những công việc và giá trị mà ngân hàng mang lại là duy nhất không tổ chức tín dụng nào có, đó là hỗ trợ người nghèo và đối tượng yếu thế dễ tổn thương nhất và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.

Hiện có 19 chương trình tín dụng chính sách xã hội với dư nợ hiện trên 2.846 tỷ đồng đang hỗ trợ cho 78.160 khách hàng (chiếm 61,2% số hộ dân trên địa bàn), bình quân 36,4 triệu đồng/hộ gia đình.

“Những con số đó cho thấy tín dụng chính sách xã hội là một nguồn vốn quan trọng đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên. Đây cũng là nguồn vốn góp phần ngăn chặn tín dụng đen đến người nghèo và đối tượng yếu thế, duy trì trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, bài toán giảm nghèo bền vững vẫn còn là một thách thức lớn với Điện Biên khi kinh tế tỉnh vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, tại các vùng sâu, vùng xa sản xuất 1 vụ trong năm, điều kiện tiêu thụ sản phẩm hạn chế. Toàn tỉnh có 127.667 hộ trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ 37,08% (trong đó, hộ nghèo về thu nhập 46.507 hộ); hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,78%.

Mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiều nguồn vốn hơn hỗ trợ người dân Điện Biên vượt khó, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Quý cho biết Tỉnh ủy cũng đã ra Chỉ thị về việc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay khoảng 1% tổng thu ngân sách trên địa bàn.

Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh đến việc các cấp chính quyền và tổ chức hội, đoàn thể cần rà soát lại đối tượng vay và nhu cầu vay, bởi qua thực tế tại xã Sìn Thầu và Si Pa Phìn, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện đều đã vay.

Như vậy để có thể tăng dư nợ, việc xác định được nhu cầu vay cũng như đối tượng vay chính xác là cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội cung ứng thêm vốn để tăng mức vay cho các hộ dân, giúp họ có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, rút ngắn thời gian thoát nghèo đặc biệt trên địa bàn diện tích rộng có điều kiện phát triển cây ăn trái, dược liệu và chăn nuôi gia súc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục