Tình hình dịch COVID-19 ngày 17/6: Những dấu hiệu tích cực từ Ấn Độ

Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức dưới 100.000 ca liên tục trong một tuần, thậm chí đã có 3 ngày dưới 70.000 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 ngày 17/6: Những dấu hiệu tích cực từ Ấn Độ ảnh 1Nhân viên y tế tiêm tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại một điểm tiêm chủng lưu động ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 27/5/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 17/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 177.782.883 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.848.026 ca tử vong.

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 383.055 ca mắc mới và 8.972 ca tử vong.

Hiện có gần 163 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 11.654.097 bệnh nhân đang điều trị.

Số ca nhiễm mới tại Mỹ đã tiếp tục giảm, với 12.932 ca mắc mới và 419 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc lên 34.365.271, trong đó có 616.141 ca tử vong.

Ấn Độ cũng ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức dưới 100.000 ca liên tục trong một tuần, thậm chí đã có 3 ngày dưới 70.000 ca/ngày.

Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 67.294 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 29.699.555.

Riêng số ca tử vong giảm rõ rệt, từ mức đỉnh điểm trên dưới 5.000 ca/ngày ngày 16/6 xuống còn 1.411 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 381.931.

[Số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu giảm 12% so với tuần trước]

Brazil, đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm, tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao - 85.861 ca mắc mới và 2.673 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 17.629.714 và 493.837.

Tại châu Âu, Pháp đã vượt Nga, trở thành quốc gia đứng tư thế giới về số ca mắc, với 3.058 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 5.747.647 ca.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới theo ngày tại Nga cao nhất châu Âu, với 13.397 ca mắc trong 24 giờ qua. Hiện Nga ghi nhận tổng cộng 5.249.990 ca mắc.

Mặc dù vậy, tại châu Âu, nhờ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine, nhiều nước đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa và đi lại.

Ngày 16/6, giới chức y tế Bồ Đào Nha bắt đầu cấp chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19 của châu Âu, cho phép người sở hữu được đi lại tự do giữa các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) cũng như các nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.

Theo giới chức Bồ Đào Nha, chứng chỉ này sẽ được cấp cho những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, người phục hồi sau khi mắc COVID-19 và người có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2.

Cho đến nay, nước này đã sử dụng ít nhất 6,96 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Liên quan đến chương trình vaccine, ngày 16/6, Mỹ thông báo mua thêm 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Moderna.

Như vậy, cho đến nay Mỹ đã đặt hàng tổng cộng 500 triệu liều vaccine Moderna, trong đó 110 triệu liều sẽ được giao trong quý 4/2021 và 90 triệu liều sẽ được giao vào quý 1/2021.

Moderna, hãng đã cung cấp 217 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Chính phủ Mỹ tính đến ngày 14/6, cho biết các liều vaccine mua bổ sung này là để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong quý 1/2022.

Theo dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, nước này đã phân phối hơn 129 triệu liều vaccine Moderna tại Mỹ.

Trong khi đó, cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết hãng dược phẩm Johnson & Johnson nhiều khả năng không đạt được mục tiêu cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho EU trong quý 2/2021, sau khi khoảng 20 triệu liều vaccine bị cấm sử dụng để tiêm phòng do lo ngại về tính an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục