Tính toán của Điện Kremlin trong cuộc trưng cầu sửa đổi Hiến pháp

Nếu những thay đổi Hiến pháp được chấp nhận, ông Putin, người đã cầm quyền tại Nga trong hơn 2 thập kỷ qua, có thể tranh cử tổng thống thêm hai nhiệm kỳ 6 năm sau khi hết nhiệm kỳ vào năm 2024.
Tính toán của Điện Kremlin trong cuộc trưng cầu sửa đổi Hiến pháp ảnh 1Những tấm Pano lớn được bố trí tại những nơi công cộng nhằm động viên cử tri Nga đi bỏ phiếu cho sửa đổi Hiến pháp. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Trong bối cảnh mỗi ngày vẫn có thêm từ 6.000-7.000 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19), chính quyền Nga huy động cử tri tham gia một cuộc trưng cầu ý dân, dưới tên gọi chính thức là một cuộc "bỏ phiếu quần chúng," về sửa đổi Hiến pháp cho phép Tổng thống Vladimir Putin nắm quyền cho đến năm 2036.

Nước Nga bước vào một tuần lễ trưng cầu ý dân kể từ ngày 25/6 đến ngày 1/7. Cuộc bỏ phiếu lần này được kéo dài đến một tuần lễ, do đòi hỏi "tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, bảo đảm an toàn về mặt y tế."

Văn bản sửa đổi Hiến pháp, mở đường cho Tổng thống Putin tiếp tục điều hành đất nước cho đến năm ông 84 tuổi, đã được Quốc hội lưỡng viện Nga thông qua từ đầu năm nay. Dù kết quả cuộc "tham khảo ý kiến người dân" gần như đã được báo trước, Điện Kremlin vẫn muốn có một cuộc bỏ phiếu nhằm tăng thêm bề dày cho quyền lực đã hoàn toàn trong tay Tổng thống Putin từ năm 2000.

Sự kiện này được dự trù vào tháng 4/2020, nhưng COVID-19 đã buộc chính quyền dời lại cho đến nay.

Người dân Nga bỏ phiếu cho điều gì?

Nếu những thay đổi Hiến pháp được chấp nhận, ông Putin, 67 tuổi, người đã cầm quyền tại Nga trong hơn 2 thập kỷ qua, có thể tranh cử tổng thống thêm hai nhiệm kỳ 6 năm sau khi hết nhiệm kỳ vào năm 2024.

Ngoài khả năng mở đường để ông lãnh đạo nước Nga cho đến năm 2036 - những sự thay đổi này sẽ trao quyền cho tổng thống bổ nhiệm các thẩm phán và công tố viên hàng đầu để được Thượng viện Nga phê chuẩn.

Các cải cách này cũng sẽ gia cố các biện pháp bảo thủ trong Hiến pháp, bao gồm lệnh cấm hôn nhân đồng tính và khẳng định "niềm tin vào Chúa" của nước Nga. Những thay đổi kinh tế cũng sẽ được quy định, bao gồm cả mức lương tối thiểu và điều chỉnh lương hưu nhà nước phù hợp với lạm phát.

Dịch COVID-19 và nhiều tuần lễ Nga tự phong tỏa để ngăn ngừa dịch bệnh càng làm lộ rõ những khó khăn về kinh tế của Nga. Chính vì vậy, Tổng thống Putin đã phải khơi dậy lòng tự hào dân tộc, mở lại những trang sử oai hùng của Liên Xô trong bài diễn văn ở Quảng trường Đỏ kỷ niệm 75 năm chiến thắng Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Điện Kremlin muốn thấy hình ảnh cử tri Nga "ồ ạt" đến các phòng phiếu. Để đạt được mục tiêu này, nhiều vùng miền đã tổ chức các cuộc sổ số với những lô độc đắc giá trị hay tặng quà cho cử tri.

Báo Le Monde tiết lộ thủ đô Moskva dự trù một ngân sách 130 triệu euro để tặng quà cho những ai thi hành bổn phận công dân.

Giới chỉ trích nói gì?

Alexei Navalny, một thủ lĩnh phe đối lập tại Nga, đã lên án cuộc bỏ phiếu là âm mưu mang màu sắc dân túy nhằm trao quyền cho ông Putin trở thành "tổng thống trọn đời."

Cựu đặc vụ KGB 67 tuổi đã lãnh đạo nước Nga trong 20 năm, trong cả hai vị trí tổng thống và thủ tướng. Mức độ được lòng dân của ông đã giảm trong những năm gần đây do khó khăn kinh tế và cải cách gây tranh cãi lớn đối với hệ thống lương hưu. Tuy vậy, chiến dịch của phe đối lập chống lại các cải cách Hiến pháp này đã không giành được động lực.

Các cuộc tuần hành được lên kế hoạch tại thủ đô Moskva hồi tháng 4/2020 đã bị hủy bỏ do các lệnh cấm tụ tập nơi đông người để phòng ngừa COVID-19.

Tính toán của Điện Kremlin trong cuộc trưng cầu sửa đổi Hiến pháp ảnh 2Cử tri được đo thân nhiệt, phát khẩu trang và găng tay miễn phí trước khi vào điểm bầu cử. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Trang web kêu gọi bỏ phiếu chống, trong đó thu thập chữ ký của những người Nga phản đối cải cách, đã bị chặn bởi một tòa án ở Moskva và buộc phải đổi sang tên miền khác.

Trong khi đó, với việc cuốn sách về Hiến pháp sửa đổi đã được bày bán trên các kệ sách ở Moskva, kết quả cuộc bỏ phiếu được xem là điều đã được định trước.

Những người phản đối Điện Kremlin đã có ý kiến khác nhau về cách tiếp cận với cuộc trưng cầu ý dân này. Một số người, như nhà hoạt động Navalny và đảng đối lập Yabloko đã kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục