Tòa án Hàn Quốc buộc doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân cưỡng bức

Tất cả các nạn nhân đều là nữ, bị ép buộc làm việc tại nhà máy của Tập đoàn Nachi-Fujikoshi tại Toyama, Nhật Bản, trong giai đoạn 1944-1945.

Quang cảnh trụ sở Tòa án tối cao Hàn Quốc ở Seoul. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)
Quang cảnh trụ sở Tòa án tối cao Hàn Quốc ở Seoul. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Theo hãng tin Yonhap, ngày 25/1, Tòa án Tối cao Hàn Quốc phán quyết Tập đoàn Nachi-Fujikoshi Corp của Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.

Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã đưa ra phán quyết đối với 3 vụ kiện Tập đoàn Nachi-Fujikoshi Corp.

Tổng cộng 23 nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến, 18 thân nhân của các nạn nhân khởi kiện trong thơi gian từ năm 2013-2015.

Tất cả các nạn nhân đều là nữ, bị ép buộc làm việc tại nhà máy của Tập đoàn Nachi-Fujikoshi tại Toyama, Nhật Bản, trong giai đoạn 1944-1945.

Theo phán quyết, Nachi-Fujikoshi Corp phải bồi thường từ 80-100 triệu won (59.880-75.000 USD) cho mỗi nguyên đơn, theo đó tổng số tiền bồi thường lên tới 2,1 tỷ won (899.000 USD), cộng thêm tiền lãi do chậm chi trả.

Tòa án Hàn Quốc đưa ra phán quyết trên trong bối cảnh quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu cải thiện thời gian qua.

Tháng 3 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol công bố kế hoạch dùng quỹ do tư nhân tài trợ để bồi thường các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến, thay vì đòi bồi thường từ các công ty Nhật Bản.

Liên quan vấn đề trên, một tòa án Hàn Quốc mới đây đã chấp thuận việc tịch thu số tiền do công ty đóng tàu Hitachi Zosen Corp. của Nhật Bản ký quỹ, do nguyên đơn trong một vụ kiện cưỡng bức lao động thời chiến đòi công ty này bồi thường.

Tháng trước, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã phán quyết Hitachi Zosen Corp. phải bồi thường cho nguyên đơn 50 triệu won (37.400 USD).

Ngày 10/1 vừa qua, bên nguyên đơn đã khiếu nại lên Tòa án Trung tâm Seoul rằng Hitachi Zosen Corp không tuân thủ phán quyết nói trên.

Luật sư trong vụ kiện cho biết nếu nguyên đơn nhận được tiền bồi thường, đây là lần đầu tiên một khoản tiền từ doanh nghiệp Nhật Bản được chuyển cho nguyên đơn trong vụ kiện cưỡng bức lao động. Tuy nhiên, thủ tục để nguyên đơn nhận tiền sẽ mất từ 1-2 tháng.

Năm 2019, Hitachi Zosen đã ký quỹ 60 triệu won (44.855 USD) cho tòa án để ngăn chặn khả năng tài sản của công ty tại Hàn Quốc bị tịch thu và bán để bồi thường cho các nguyên đơn.

Phía Nhật Bản cho rằng toàn bộ các khoản bồi thường đã được giải quyết theo hiệp ước bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc ký năm 1965.

Tuy nhiên, năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết khẳng định hiệp ước năm 1965 không ảnh hưởng đến quyền đòi bồi thường của các cá nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục