Tọa đàm Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam

Toạ đàm “Xu hướng tiếp cận Giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam” do Báo Điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức trực tuyến bắt đầu vào lúc 8h30 ngày 05/08/2022.
Tọa đàm Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam ảnh 1Thuốc lá có thể gây ung thư với mọi cơ quan trong cơ thể của bạn. (Nguồn: Vietnam+)

Hiện nay, Việt Nam vẫn có hơn 17 triệu người hút thuốc lá với trên 40.000 người tử vong hằng năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra.

Trong lúc tỷ lệ cai thuốc lá thành công vẫn còn khá thấp, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần xem xét vấn đề giảm tác hại thuốc lá và kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực này.

Toạ đàm “Xu hướng tiếp cận Giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam” do Báo Điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia y tế hàng đầu tại Việt Nam như Thạc sỹ, bác sỹ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, đồng thời là đại diện Tổng hội Y học Việt Nam.

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn có sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh; Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV; Tiến sỹ, Bác sỹ Đào Văn Tú, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng, Bệnh viện K Trung ương.

Tọa đàm sẽ được tổ chức trực tuyến trên Báo điện tử VietnamPlus, bắt đầu vào lúc 08h30 ngày 05/08/2022.

Tọa đàm Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam ảnh 2Các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm “Xu hướng tiếp cận Giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam.”

Tại đây, Báo Điện tử VietnamPlus sẽ công bố số liệu thông qua khảo sát trực tuyến mới nhất vừa được thực hiện trên 2.000 người đã và đang hút thuốc lá, liên quan đến các vấn đề sử dụng thuốc lá nói chung; hiểu biết và đánh giá của người dùng về bản chất và vai trò của các giải pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá bao gồm các sản phẩm thuốc lá không khói giảm tác hại.

Kết quả cho thấy, 87% người tham gia hiểu rằng “hút thuốc không tốt cho sức khoẻ nhưng mang lại cảm giác hứng phấn giúp giảm stress nên không muốn bỏ.”

Bên cạnh đó, có tới 95% người nhận định rằng “việc cai nghiện hoàn toàn thuốc lá” là khó và rất khó.

Liên quan tới vấn đề giảm thiểu tác hại thuốc lá, 70% người tham gia cho rằng “hướng tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá” là quan trọng.

Ngoài ra, 59%  bạn đọc cho rằng các sản phẩm có khả năng giảm tác hại so với thuốc lá điếu thông thường cũng cần được quản lý theo Luật phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành.

[Khảo sát độc giả VietnamPlus về tác hại của khói thuốc lá]

Bên cạnh việc cập nhật thực tiễn về vấn đề cai thuốc lá trên thế giới và tại Việt Nam, các chuyên gia sẽ cũng cấp nhiều căn cứ khoa học giúp độc giả hiểu đúng về chuỗi nguy cơ của các sản phẩm thuốc lá (thuốc lá điếu, thuốc lá làm nóng,  các sản phẩm có chứa nicotine…)

Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia cũng sẽ làm rõ thêm về nguyên lý khoa học của việc giảm phơi nhiễm các chất độc hại từ khói thuốc lá điếu đốt cháy lên cơ thể người hút thuốc chủ động và bị động.

Đồng thời, từ góc độ chuyên khoa khác nhau, các chuyên gia cũng sẽ cung cấp nhiều bằng chứng khoa học, kết quả nghiên cứu diện rộng, đánh giá hiệu quả thực tiễn về hướng tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá; cách mà các quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand… hay các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines…. quản lý sản phẩm này như thế nào.

Trước thực trạng hiện nay trên thị trường xuất hiện tràn lan các sản phẩm thuốc lá điện tử không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không kiểm soát được chất lượng và mục đích sử dụng dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ người dùng, các khách mời cũng sẽ thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến nhằm hướng tới việc xây dựng một chính sách ứng xử phù hợp với các sản phẩm này dựa trên nền tảng khoa học và hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan.

Quý độc giả quan tâm, có thể gởi câu hỏi hoặc chia sẻ của mình về hộp thư của tọa đàm tại địa chỉ email: giam.tac.hai.thuoc.la@gmail.com. Chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi hoặc nội dung chia sẻ của quý độc giả tới Ban tổ chức và các khách mời của tọa đàm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục