Tổng thống Mỹ có thể không dự Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ ở Australia

Người phát ngôn an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby cho biết ông Biden sẽ khởi hành đến Nhật Bản vào ngày 17/5 như dự kiến, song đang cân nhắc lại khả năng đặt chân đến Australia.
Tổng thống Mỹ có thể không dự Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ ở Australia ảnh 1Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Reuters đưa tin Nhà Trắng ngày 16/5 thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể bỏ qua điểm dừng chân Australia trong chuyến công du châu Á sắp tới, do cuộc tranh luận đang diễn ra ở Washington về vấn đề trần nợ.

Người phát ngôn an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby cho biết ông Biden sẽ khởi hành đến Nhật Bản vào ngày 17/5 như dự kiến, song đang cân nhắc lại khả năng đặt chân đến Australia.

[Tổng thống Mỹ vẫn đến Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G7 như kế hoạch]

Ông Kirby chia sẻ: “Mặc dù vậy, chúng tôi đang làm việc, suy nghĩ thấu đáo về phần còn lại của chuyến đi ngay từ bây giờ,” đồng thời lưu ý rằng ông Biden cũng sẽ gặp các Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ và Anthony Albanese của Australia tại Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Hiroshima, Nhật Bản.

Ông Biden sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh G7 từ ngày 19/5.

Sau đó, ông sẽ có chặng dừng ngắn ở Papua New Guinea, trước khi đến Australia dự Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ cùng lãnh đạo các nước Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Bộ Tài chính Mỹ ước tính nước này sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng, sớm nhất là vào ngày 1/6, nếu Quốc hội không dỡ bỏ trần nợ.

Bộ Tài chính Mỹ trước đó cũng đã cảnh báo những hậu quả "thảm khốc" nếu Mỹ cạn tiền mặt để trang trải các nghĩa vụ tài chính; trong đó có việc không trả được lương cho các nhân viên liên bang, kéo theo khả năng tăng lãi suất tác động mạnh đến các doanh nghiệp.

Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Bộ trưởng Yellen ghi rõ: "Chúng tôi vẫn ước tính Bộ Tài chính có thể sẽ không còn đáp ứng được tất cả các nghĩa vụ của chính phủ nếu quốc hội không hành động để nâng hoặc đình chỉ trần nợ công vào đầu tháng Sáu tới và nhiều khả năng điều này sẽ sớm xảy ra, có thể vào ngày 1/6."

Theo giới quan sát, Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo của đảng Cộng hòa có rất nhiều vấn đề cần thảo luận. Hiện hai bên vẫn bất đồng sâu sắc về các điều khoản để nhất trí về việc nâng mức trần nợ.

Các nghị sỹ đảng Cộng hòa tiếp tục nêu điều kiện để ủng hộ nâng trần nợ là Tổng thống Biden phải đồng ý cắt giảm mạnh chi tiêu. Tuy nhiên, đảng Dân chủ kêu gọi nâng mức trần nợ không kèm theo điều kiện ràng buộc.

Nền kinh tế đầu tàu thế giới đã chạm ngưỡng giới hạn nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng Một vừa qua. Do đó, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ.

Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên hoặc đình chỉ, Chính phủ Mỹ có nguy cơ không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Đàm phán giữa hai đảng tại Quốc hội Mỹ về việc nâng trần nợ công liên tục rơi vào bế tắc bất chấp nhiều cảnh báo rằng tình trạng nỡ nợ sẽ đe dọa nền kinh tế toàn cầu cũng như làm lung lay vị thế của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Trong khi Tổng thống Joe Biden mong muốn nâng trần nợ vô điều kiện thì các nghị sỹ đảng Cộng hòa lại yêu cầu cắt giảm chi tiêu công nêu muốn nâng trần nợ liên bang hiện ở mức kỷ lục 31.400 tỷ USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục