Tổng thống Mỹ lại hoãn thăm Indonesia, Australia

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lùi chuyến thăm Indonesia tới tháng 6 để tập trung vào kế hoạch cải cách hệ thống y tế trong nước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lùi chuyến thăm Indonesia tới tháng 6 để tập trung vào kế hoạch cải cách toàn diện hệ thống y tế trong nước.

Ngày 18/3, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cho biết Tổng thống Obama đã gọi điện thoại cho người đồng cấp Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Thủ tướng Australia Kevin Rudd, bày tỏ "rất lấy làm tiếc" phải thay đổi kế hoạch chuyến thăm.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Indonesia và Australia ban đầu dự kiến bắt đầu từ ngày 18/3, sau đó được lùi lại ba ngày đến ngày 21/3.

Ông Gibbs cho biết Tổng thống Obama đã ra quyết định hoãn chuyến thăm 2 nước châu Á-Thái Bình Dương để có mặt tại Washington trong dịp bỏ phiếu quan trọng về dự luật cải cách bảo hiểm y tế tại Hạ viện. Cuộc bỏ phiếu này không thể diễn ra trước chiều 21/3 tới.

Người phát ngôn Nhà Trắng Gibbs khẳng định Tổng thống Obama nhận thức được chuyến thăm khu vực châu Á-Thái Bình Dương là "rất quan trọng" và các đồng minh quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn đối với an ninh và sự phát triển kinh tế của Mỹ, song việc thông qua dự luật cải cách y tế là điểm nhấn lớn trong chương trình nghị sự đối nội của chính quyền Obama.

Nhà Trắng coi dự luật cải cách y tế của Hạ viện là "nỗ lực quan trọng nhất nhằm giảm thâm hụt ngân sách" kể từ khi có Đạo luật Cân bằng Ngân sách từ những năm 1990.

Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 18/3, ông Obama kêu gọi "mọi thành viên Hạ viện nghiên cứu dự luật này để chuẩn bị cho việc bỏ phiếu thông qua vào cuối tuần."

Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) thông báo tới năm 2019, dự luật cải cách y tế sẽ "ngốn" khoảng 940 tỷ USD nhưng sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách 138 tỷ USD và giảm thêm khoảng 1.200 tỷ USD trong thập kỷ tiếp theo.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng không còn lý do để các nghị sỹ đảng Cộng hòa phản đối dự luật vì "đó là mức chi phí thấp cho một dự luật có tầm quan trọng như vậy trong lịch sử."

Đảng Dân chủ đang sử dụng điều khoản "quy tắc hòa giải" để thông qua dự luật cải cách y tế, theo đó dự luật chỉ cần đa số thường (51%) ủng hộ (thay vì đa số tối đa - 60%), tức là cần sự ủng hộ của 216/435 Hạ nghị sỹ và 51/100 Thượng nghị sỹ.

Đảng Dân chủ cho biết đến ngày 18/3, họ còn thiếu 5 phiếu nữa mới đủ số phiếu cần thiết để thông qua dự luật tại Hạ viện.

Dự luật cải cách y tế do Thượng viện thông qua có giá trị 871 tỷ USD trong khi dự luật của Hạ viện đưa ra mức chi phí cao hơn 1.000 tỷ USD. Hai dự luật này có nhiều điểm khác nhau cơ bản.

Theo quy định, Hạ viện lại phải phê chuẩn dự luật do Thượng viện thông qua, sau đó lãnh đạo của Thượng viện và Hạ viện phải xây dựng một dự luật mới xóa bỏ những điều khoản khác nhau giữa hai dự luật của của hai viện.

Dự luật thống nhất của hai viện sẽ được gửi lên tổng thống để ký ban hành.

Tuy nhiên, hiện nhiều Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ không muốn nhượng bộ đảng Cộng hòa. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn luôn tìm cách chống lại sự thông qua dự luật cải cách y tế để gây khó khăn cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Kế hoạch cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2008.

Kế hoạch này nhằm xây dựng các chương trình bảo hiểm thuộc nhà nước có thể cạnh tranh với những chương trình của tư nhân, giảm chi phí chăm sóc y tế cũng như mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tới những người dân Mỹ hiện chưa có bảo hiểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục