Trong cuộc họp với các thành viên Chính phủ ngày 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay nước này sẵn sàng ngay lập tức quay trở lại thoả thuận ngũ cốc nếu tất cả các điều khoản của thoả thuận được thực hiện và “bản chất nhân đạo” của thoả thuận được khôi phục.
Theo Tổng thống Nga, các nước phương Tây đã bóp méo hoàn toàn bản chất của thoả thuận và kết quả là các công ty châu Âu đã thu được lợi nhuận từ thoả thuận này, trong khi phía Nga lại chịu tổn thất.
Như vậy, để Nga quay trở lại tham gia thoả thuận ngũ cốc thì các điều kiện sau phải được thực hiện, bao gồm: gỡ bỏ trừng phạt đối với việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga; gỡ bỏ mọi trở ngại đối với các ngân hàng Nga cung cấp thực phẩm cho thị trường thế giới, bao gồm việc kết nối với SWIFT.
Bên cạnh đó, cần nối lại việc cung cấp cho Nga các linh kiện, phụ tùng máy móc nông nghiệp và sản xuất phân bón; giải quyết tất cả các vấn đề về thuê tàu và bảo hiểm xuất khẩu thực phẩm của Nga; khôi phục hoạt động của đường ống dẫn Amoniac Tolyatti-Odessa; gỡ bỏ phong toả tài sản của Nga liên quan đến nông nghiệp; khôi phục bản chất nhân đạo ban đầu của thoả thuận ngũ cốc.
Tổng thống Nga cũng bác bỏ tầm quan trọng toàn cầu của ngũ cốc Ukraine, coi điều này là suy đoán và sai lầm.
Ông Putin lý giải: “Nga chiếm 20% thị phần lúa mỳ toàn cầu, trong khi Ukraine chiếm chưa đến 5%. Những con số này nói lên tất cả.”
Từ đó, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng “chính Nga đã đóng góp to lớn cho an ninh lương thực toàn cầu. Và bất kỳ tuyên bố nào cho rằng chỉ có ngũ cốc Ukraine mới cung cấp lương thực cho những người đói trên toàn thế giới là suy đoán và sai lầm.”
Nga cũng sẵn sàng thay thế ngũ cốc Ukraine trên thị trường toàn cầu, cả về thương mại và miễn phí, nhất là khi Nga dự kiến có một vụ thu hoạch kỷ lục tiếp theo trong năm nay.
Tổng thống Putin cũng cáo buộc phương Tây cản trở việc cung cấp phân bón miễn phí của Nga cho các nước nghèo nhất.
Theo ông Putin, trong số 262.000 tấn sản phẩm bị ngăn chặn tại các cảng châu Âu, chỉ có 2 lô được gửi đi, bao gồm 20.000 tấn đến Malawi và 34.000 tấn đến Kenya.
[Nga nêu điều kiện tham gia trở lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen]
Tháng 7/2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc, còn được gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.
Thỏa thuận đã ba lần được gia hạn và đã hết hiệu lực vào ngày 17/7. Moskva cho biết phần thỏa thuận liên quan đến Nga đã không được thực hiện và ngay khi các bên còn lại tuân thủ đầy đủ các cam kết đối với Moskva, nước này sẽ "ngay lập tức" quay trở lại thực hiện thỏa thuận./.