Tổng thống Somalia nối lại các cuộc đàm phán bầu cử

Tổng thống Abdullahi đã từ bỏ quyết định được Quốc hội thông qua hồi tháng trước, cho phép ông tiếp tục cầm quyền thêm 2 năm, để khởi động lại các cuộc đàm phán về việc tổ chức cuộc bầu cử mới.
Tổng thống Mohamed Abdullahi Mohamed. (Nguồn: nytimes.com)
Tổng thống Mohamed Abdullahi Mohamed. (Nguồn: nytimes.com)

Ngày 1/5, Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi đã khởi động lại các cuộc đàm phán về việc tổ chức bầu cử tổng thống - một động thái được phe đối lập hoan nghênh, sau cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất mà đất nước phải đối mặt sau nhiều năm.

Trong một bài phát biểu trước quốc hội, được phát trực tiếp trên truyền hình, ông Abdullahi đã từ bỏ một quyết định được Quốc hội biểu quyết thông qua hồi tháng trước cho phép ông có thể tiếp tục cầm quyền thêm hai năm.

Tổng thống khẳng định sẽ tìm kiếm một giải pháp cho khủng hoảng chính trị thông qua các cuộc đàm phán và tránh làm bùng phát bạo lực.

Ông đồng thời yêu cầu Thủ tướng Mohamed Hussein Roble tổ chức cuộc bầu cử mới - một yêu cầu quan trọng của phe đối lập.

[HĐBA LHQ kêu gọi chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Somalia]

Tổng thống mong muốn quay trở lại thỏa thuận đã đạt được với các bang hồi tháng 9/2020 để tổ chức bầu cử gián tiếp. Theo đó, các đại biểu đặc biệt do các tộc trưởng Somalia lựa chọn sẽ đề cử các nhà lập pháp và những người này sẽ bầu ra tổng thống.

Các cuộc đụng độ đẫm máu đã nổ ra trong tuần này ở Somalia, giữa lực lượng được vũ trang của các bên đối lập ở thủ đô Mogadishu về việc Tổng thống Abdullahi không tổ chức bầu cử trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 2/2021.

Nguyên nhân được cho là tổng thống và thống đốc của các bang tại Somalia đã không đạt được thỏa thuận về các điều khoản của một cuộc bầu cử.

Thành phố Mogadishu đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi khủng hoảng chính trị leo thang phát sinh thành đụng độ ngày 25/4/2021, giữa lực lượng an ninh và phe đối lập, khiến ít nhấ ba người thiệt mạng.

Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Somalia tiến hành bầu cử, đe doạ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia thuộc khu vực Sừng châu Phi - với 15 triệu dân và năm bang bán tự trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục