TP. HCM: Cao điểm dịch sốt xuất huyết và đau mắt đỏ

TP. Hồ Chí Minh vào giữa mùa mưa cũng là bắt đầu mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết và đau mắt đỏ với hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh.

Từ đầu tháng Chín đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh vào giữa mùa mưa đã kéo theo các ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết và đau mắt đỏ gia tăng.

Theo số liệu từ Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có hơn 4.700 ca mắc sốt xuất huyết. Riêng từ đầu tháng Chín tới nay, mỗi tuần có tới 200-250 ca bệnh sốt xuất huyết. Số lượng bệnh nhân chủ yếu tập trung ở các khu có số lượng dân cư biến động, nhiều nhà trọ, gần kênh rạch vùng ven như quận Bình Thạnh, Tân Bình, huyện Hóc Môn…

Theo bác sỹ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, sốt xuất huyết hiện nay là một bệnh rất khó tiên đoán trước, bệnh có thể từ nhẹ chuyển sang nặng một cách đột ngột. Đặc biệt, sốt xuất huyết có khả năng gây tử vong cao nếu kết hợp với một số loại bệnh khác.

Vừa qua, đa số những ca sốt xuất huyết ở tỉnh chuyển lên là những ca nặng và có biến chứng như suy gan nặng, suy thận, chảy máu. Chính vì để nặng mới đưa đến bệnh viện, nên việc chữa trị sốt xuất huyết phức tạp hơn.

Bác sỹ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh sốt xuất huyết có thể kéo dài cho đến hết mùa mưa vào cuối tháng 11 tới.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết mang tính bền vững nhất là mọi người, mọi nhà, mọi cơ sở phải diệt lăng quăng (bọ gậy) ở trong vật chứa nước, phế thải đọng nước mưa và phải thực hiện, kiểm soát hàng tuần.

Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện đang tiếp tục giám sát dịch tễ; vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, không để dịch bệnh bùng phát; chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng chăm lo tiếp nhận và điều trị; phối hợp với ngành giáo dục tổ chức truyền thông học đường, trang bị kiến thức cho học sinh phòng bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm giác mạc cấp) cũng đã bùng phát thành dịch trong hai tuần nay tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bác sỹ Bùi Thị Thu Hương, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận tại bệnh viện từ đầu tháng Chín đến nay, mỗi tuần lượng bệnh nhân tới khám tăng 30-50% so với tháng trước đó, cao điểm có tuần tiếp nhận tới gần 500 ca nhiễm bệnh này.

Bệnh đau mắt đỏ do một loại virus gây ra, đôi khi đi kèm với viêm họng hay viêm hạch trước tai. Triệu chứng điển hình là có nhiều ghèn và cảm giác cộm, xốn như có bụi trong mắt.

Bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc, nói chuyện, tay chân tiếp xúc với vật dụng của những người bị bệnh; hoặc những người bị bệnh đi đến những nơi công cộng sẽ làm cho người xung quanh dễ lây bệnh hơn. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 5-10 ngày, tùy theo sức đề kháng của mỗi người mà biểu hiện lâm sàng nặng hay nhẹ.

Các bác sỹ Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo dịch đau mắt đỏ lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Vì vậy, cần lưu ý không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị đau mắt đỏ, luôn rửa tay sạch sẽ trước và sau khi nhỏ thuốc vào mắt hay sau khi dụi mắt, mũi…

Người nhà không nên tự pha loãng nước muối để rửa mắt, xông thuốc hoặc dùng thuốc nhỏ mắt chung. Khi có dấu hiệu đau mắt đỏ, bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế để thăm khám và chuẩn đoán bệnh chính xác, tránh sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt không đúng quy định có thể gây giảm thị lực ở mắt./.

Hứa Chung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục