TP.HCM: Chủng Omicron chiếm ưu thế, nhiều giáo viên, học sinh nghi mắc

UBND quận huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở; có phương án điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ phòng, chống dịch ở trường học, cơ sở sản xuất...
TP.HCM: Chủng Omicron chiếm ưu thế, nhiều giáo viên, học sinh nghi mắc ảnh 1Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là biến chủng Omicron chiếm ưu thế, chiều 4/3, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân quận huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường phối hợp hiệu quả, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, khu công nghiệp, trường học; phối hợp tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 “thần tốc hơn nữa,” đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.

Ủy ban Nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong trường học và cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đối với Sở Y tế, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu; thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung điều trị hiệu quả ở các tuyến; cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ...

[TP.HCM tăng cường kiểm tra việc mua bán thuốc điều trị COVID-19]

Đặc biệt cung cấp đầy đủ ôxy y tế tại các cơ sở điều trị, không để xảy ra tình trạng người mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị. Sở Y tế chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, nhất là tại bệnh viện và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, tiếp xúc với người xung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tiêm vaccine mũi 3 phòng COVID-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.

Hiện nay dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là gia tăng các ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron chiếm ưu thế, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội của Thành phố trong đó có hoạt động giáo dục trực tiếp cho học sinh.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, từ 7/2 đến 2/3 vừa qua, toàn thành phố ghi nhận 3.689 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nghi mắc COVID-19 (phát hiện tại trường là 318 ca), 40.385 học sinh nghi mắc COVID-19 (2.160 ca phát hiện tại trường). Riêng tại các trung tâm giáo dục chuyên biệt hòa nhập ghi nhận khoảng 70% học sinh trở lại học tập và tỷ lệ nghi mắc COVID-19 tại trung tâm rất thấp.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu 13 địa phương có dịch cấp độ (vùng cam) hạn chế hoạt động bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke.

Tuần qua, Thành phố Hồ Chí Minh có 222 phường, xã đạt cấp 1 (vùng xanh), 77 phường, xã cấp 2 (vùng vàng) và 13 địa phương tăng lên cấp độ 3 (vùng cam)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục