Luân phiên bác sỹ trẻ tình nguyện về chăm sóc sức khỏe cho người dân xã đảo Thạnh An; chính thức triển khai Đơn vị Chạy thận Nhân tạo; tái thành lập Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ; hình thành Trung tâm Cấp cứu 115 vệ tinh; triển khai thí điểm cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực y tế công tác lâu dài tại huyện Cần Giờ.
Đây là những nội dung được đưa ra bàn luận tại buổi làm việc giữa Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ ngày 18/10.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ cho biết toàn huyện có 19.589 hộ dân với 77.894 nhân khẩu, mật độ dân cư thưa và phân bố không đều theo địa bàn hành chính xã.
Hiện tổng số nhân lực y tế của huyện Cần Giờ có 239 người, gồm 21 bác sỹ (đạt 5,14 bác sỹ/10.000 dân, trong khi tỷ lệ trung bình của Thành phố Hồ Chí Minh là 20 bác sỹ/10.000 dân); 125 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và 93 nhân viên khác.
[Y tế cơ sở, y tế dự phòng còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực]
5 năm trở lại đây, Trung tâm Y tế không tuyển dụng được bác sỹ, hoặc tuyển dụng được nhưng sau một thời gian ngắn đã xin nghỉ việc, dẫn đến nhiều danh mục kỹ thuật, đặc biệt là nhi khoa, sản khoa, ngoại khoa… không được triển khai.
Gần đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Mắt… hỗ trợ nhân sự chuyên môn luân phiên đến với Cần Giờ.
Đáng chú ý, hiện tại, huyện Cần Giờ không có bệnh viện nên năng lực cung ứng dịch vụ điều trị còn hạn chế do không thu hút được nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sỹ có trình độ chuyên khoa khiến cho nhiều kỹ thuật điều trị chuyên khoa không được triển khai đáp ứng nhu cầu của người dân (như chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, sinh mổ…).
Người dân phải lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị, mất rất nhiều thời gian đi lại và tốn kém về chi phí.
Trước thực trạng này, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ giai đoạn từ nay đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030.”
Những nội dung cụ thể của Đề án gồm nâng cao năng lực trạm y tế xã và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn huyện, đảm bảo mỗi người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và điều trị các bệnh không lây nhiễm; ưu tiên tăng cường nhân lực bác sỹ cho trạm y tế xã đảo Thạnh An; tái thành lập Bệnh viện Đa khoa huyện thuộc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh để triển khai hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, hình thành Trung tâm Cấp cứu 115 vệ tinh tại huyện Cần Giờ có đầy đủ các phương tiện vận chuyển cấp để vận chuyển người bệnh cấp cứu từ xã đảo Thạnh An vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ để sơ cấp cứu trước khi chuyển đến các bệnh viện tuyến trên; triển khai thí điểm cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực y tế công tác lâu dài tại huyện Cần Giờ.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, lãnh đạo huyện Cần Giờ cần có thêm những chính sách để thu hút các bác sỹ và điều dưỡng đến công tác lâu dài.
Đây chính là yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công của Đề án, hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân Cần Giờ.
Trong ngày 18/10, Đơn vị Chạy thận Nhân tạo do Bệnh viện Lê Văn Thịnh hỗ trợ đã chính thức khai trương tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ.
Trước mắt, Đơn vị Chạy thận Nhân tạo có 5 máy chạy thận nhân tạo hoạt động dưới sự điều hành của các y, bác sỹ Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Việc Đơn vị Chạy thận Nhân tạo đầu tiên tại Cần Giờ ra đời giúp cho các bệnh nhân có chỉ định chạy thận nhân tạo nơi đây bớt đi một phần khó khăn phải lên tuyến trên chạy thận với quãng đường xa xôi.
Toàn huyện Cần Giờ hiện có 41 bệnh nhân có chỉ định chạy thận nhân tạo./.