Tranh cãi tại Hy Lạp xung quanh thỏa thuận đổi tên nước Macedonia

Quốc hội Hy Lạp đã lùi thời gian bỏ phiếu thông qua thỏa thuận giữa nước này với quốc gia láng giềng Macedonia về việc đổi tên nước Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia.
Tranh cãi tại Hy Lạp xung quanh thỏa thuận đổi tên nước Macedonia ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở thủ đô Athens ngày 16/1/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quốc hội Hy Lạp ngày 24/1 đã lùi thời gian bỏ phiếu thông qua thỏa thuận giữa nước này với quốc gia láng giềng Macedonia về việc đổi tên nước Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia khi nhiều người xuống đường biểu tình phản đối thỏa thuận.

Cuộc bỏ phiếu trên lẽ ra được tổ chức sau nửa đêm theo kế hoạch ban đầu, song đã được lùi sang trưa 25/1 giờ địa phương, tức 19 giờ 30 giờ Hà Nội do khoảng 230 nghị sỹ muốn phát biểu về vấn đề này.

Nhiều nghị sỹ đã bày tỏ phản đối thỏa thuận, trong khi Chủ tịch đảng Dân chủ mới Kyriakos Mitsotakis tuyên bố thỏa thuận sẽ dẫn tới những vấn đề mới.

Để thỏa thuận giữa Athens và Skopje được thông qua, cần ít nhất 151 nghị sỹ trong tổng số 300 nghị sỹ Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu ủng hộ.

Trong khi đó, bên ngoài trụ sở quốc hội, hàng trăm người biểu tình phản đối thỏa thuận trên. Một số thanh niên quá khích đã ném đá buộc cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán.

Trước đó ngày 20/1, đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình khiến 40 người bị thương trong khi hàng chục nghìn người biểu tình tại Athens nhằm phản đối văn kiện này. Chính phủ Hy Lạp cho rằng những sự việc trên do các phần tử cực đoan kích động nhằm xâm nhập vào trụ sở quốc hội.

[Quốc hội Macedonia thông qua dự luật về thay đổi tên nước]

Thỏa thuận trên đạt được hồi tháng 6/2018 giữa chính phủ Hy Lạp và Macedonia nhằm giải quyết tranh cãi liên quan đến tên nước kéo dài suốt 27 năm qua, do một tỉnh miền Bắc Hy Lạp mang tên Macedonia.

Tên gọi này là rào cản chính khiến Macedonia không thể đạt tiến triển trong việc trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bởi sự phản đối của Hy Lạp.

Sau cuộc trưng cầu dân ý, Quốc hội Macedonia ngày 11/1 đã thông qua dự luật ủng hộ thỏa thuận trên. Tuy nhiên, thỏa thuận làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ ở Hy Lạp, dẫn tới một số bộ trưởng và quan chức từ chức do bất đồng về thỏa thuận, đồng thời khiến chính phủ liên minh của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đổ vỡ.

Nhiều người Hy Lạp muốn nước láng giềng phía Bắc bỏ tên gọi Macedonia vì cho rằng tên gọi này hàm ý nhận chủ quyền đối với tỉnh cùng tên của Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục