Triển khai mô hình đào tạo 2+2, Việt Nam sẽ "xuất khẩu điều dưỡng"

Trong 2 năm đầu sinh viên Trường Cao đẳng y tế và thiết bị Việt Đức được đào tạo trong nước và học ngoại ngữ, sau đó có thể được đào tạo ở Đức theo hình thức vừa học vừa làm, nhận lương 2.000 Euro.
Triển khai mô hình đào tạo 2+2, Việt Nam sẽ "xuất khẩu điều dưỡng" ảnh 1Điều dưỡng chăm sóc cho một trường hợp tại Trung tâm điều dưỡng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Trong năm học đầu tiên, Trường Cao đẳng y tế và thiết bị Việt Đức tuyển sinh 4 ngành điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học và kỹ thuật Phục hồi chức năng.

Một điểm đáng lưu ý, đó là các sinh viên của trường có thể được học theo mô hình đào tạo 2+2, được "xuất khẩu điều dưỡng."

Phát biểu tại lễ khai giảng diễn ra ngày 10/10, Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh - Hiệu trưởng nhà trường, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay trường đã ký kết với một tập đoàn ở Đức, trong 2 năm đầu sinh viên được đào tạo trong nước và học ngoại ngữ, sau đó tiếp tục được đào tạo ở Đức theo hình thức vừa học vừa làm, được trả lương tới 2.000 Euro. Sau khi kết thúc khoá học 2+2, sinh viên có thể làm việc lâu dài, thậm chí định cư tại Đức.

[Sở Y tế TP.HCM đề xuất bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng]

Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh cho hay có một thực tế đó là điều dưỡng viên ở Việt Nam đang thiếu trầm trọng, nhu cầu điều dưỡng viên luôn rất lớn nhưng việc tuyển sinh rất khó. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên đó là ở vấn đề ở định hướng nghề nghiệp. Ai cũng nghĩ phải vào đại học nhưng thực tế mục tiêu cuối cùng của mỗi người có một nghề, có công việc và thu nhập đảm bảo cuộc sống, được cống hiến cho xã hội.

Nhu cầu điều dưỡng viên không chỉ trong chăm sóc, điều trị nội trú bệnh nhân trong hệ thống y tế công lập, tư nhân, mà còn chăm sóc ngoại trú như tại nhà, bác sĩ gia đình, trại dưỡng lão... đều rất cần. Ngay các nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, cũng đang thiếu trầm trọng điều dưỡng. Đó là do việc đào tạo mất nhiều thời gian, chi phí, đào tạo để chăm sóc con người, phải nắm bắt về bệnh tật, chăm sóc, điều trị.

Theo Phó giáo sư Khánh, trên thế giới, cứ 1 bác sĩ thì có 3-4 điều dưỡng viên, Nhật Bản thậm chí có đến 9-10 người, còn ở Việt Nam 1 bác sĩ chưa có đến 2 điều dưỡng viên. Để đạt chỉ tiêu có 3,5 điều dưỡng-hộ sinh/bác sĩ theo quy định, cần bổ sung gấp 2 lần số lượng điều dưỡng viên hiện có.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ Trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức trực thuộc Bệnh viện Việt Đức trên cơ sở tiếp nhận và tổ chức lại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Trang thiết bị Y tế trực thuộc Bộ Y tế tại Quyết định số 5854/QĐ-BYT ngày 24/12/2021.

Triển khai mô hình đào tạo 2+2, Việt Nam sẽ "xuất khẩu điều dưỡng" ảnh 2Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: TTXVN phát)

Mô hình trường thuộc bệnh viện sẽ phát huy thế mạnh của Bệnh viện Việt Đức về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm trong giảng dạy.

Đặc biệt, Bệnh viện Việt Đức với môi trường trường thực hành phong phú, đa dạng sẽ giúp cho các sinh viên có nhiều cơ hội để học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Việt Đức khám bệnh 262.000 ca, điều trị nội trú 70.000 ca, ngoại trú 46.700 ca, phẫu thuật 70.000 ca (trong đó có 49.000 ca mổ loại 1, loại đặc biệt). Bệnh viện luôn đi đầu trong việc phát triển những kỹ thuật, phương pháp mới, nâng cao chất lượng điều trị (ghép thận, ghép gan thường quy từ người cho sống, ghép đa tạng từ người cho chết não…).

Thứ Trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh hiện nay, ngành y tế có hai mô hình: Một mô hình bệnh viện phụ trợ, là cơ sở thực hành phụ trợ của nhà trường như Bệnh viện của Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện của Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện của Trường Đại học Y Thái Bình, bệnh viện của lĩnh vực y học cổ truyền là Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Mô hình thứ hai là trường học thuộc bệnh viện sẽ phát huy thế mạnh của bệnh viện và trường về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ thầy thuốc được đào tạo chuyên môn cao, chuyên nghiệp trong giảng dạy. Cả hai mô hình này đang được triển khai để nâng cao hơn nữa nguồn nhân lực cho ngành y tế.

Năm 2022, nhà trường mở thêm 4 mã ngành sức khỏe và đã tuyển sinh được hơn 150 Sinh viên (Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học; Kỹ thuật hình ảnh y học và Kỹ thuật Phục hồi chức năng). Trong những năm tới sẽ tuyển sinh đủ số lượng chỉ tiêu tuyển sinh hơn 1.000 sinh viên.

Trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức có 7 bộ môn: Khoa học cơ bản, Điều dưỡng, Kỹ thuật hình ảnh Y học, Kỹ thuật xét nghiệm y tế; Phục hồi chức năng, Kỹ thuật thiết bị hình ảnh và xét nghiệm y tế; Kỹ thuật thiết bị điều trị và chẩn đoán chức năng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục