Triển vọng khôi phục du lịch thông qua hình thức "cầu hàng không"

"Du lịch cầu hàng không" ("air bridge" hay "travel corridor" hoặc "travel bubble") là một khái niệm mới về hình thức du lịch an toàn, có kiểm soát, được thực hiện giữa hai điểm đến nhất định.
Khách đến tham quan Khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng). (Ảnh: TTXVN)
Khách đến tham quan Khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng). (Ảnh: TTXVN)

Tờ New Straits Times vừa đăng bài viết của tác giả Zaidi Isham Ismail bàn về triển vọng khôi phục ngành du lịch của Malaysia trong điều kiện đại dịch COVID-19.

Đáng chú ý, tác giả cho rằng Malaysia có thể áp dụng hình thức du lịch "cầu hàng không" với các nước ASEAN như Singapore, Việt Nam và Thái Lan trong thời gian tới.

Theo tác giả Zaidi Isham Ismail, "du lịch cầu hàng không" ("air bridge" hay "travel corridor" hoặc "travel bubble") là một khái niệm mới về hình thức du lịch an toàn, có kiểm soát, được thực hiện giữa hai điểm đến nhất định.

Hai điểm đến có thể là hai địa phương trong cùng một quốc gia hoặc giữa hai quốc gia, miễn là những điểm đến này phải được công nhận là "vùng xanh," an toàn về COVID-19 và sẵn sàng đón nhận du khách. 

[Khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng qua giảm gần 50% so cùng kỳ]

Tác giả Zaidi Isham Ismail nhấn mạnh du lịch cầu hàng không hiện đang được thảo luận sôi nổi trên khắp thế giới. Nhiều nước đang cân nhắc áp dụng hình thức này để khôi phục ngành du lịch bị tổn thất nặng nề vì COVID-19.

Nhiều cặp "điểm đến" đang dẫn đầu xu hướng này, như Australia-New Zealand, Hàn Quốc và 10 khu vực ở Trung Quốc, hay 3 nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania.

Đối với Malaysia, tác giả Zaidi Isham Ismail cho rằng cách tiếp cận "từng bước và so le" là một phương án có thể áp dụng giữa các bang được tuyên bố là "vùng xanh" về COVID-19.

Trước mắt, mô hình này có thể được áp dụng giữa các điểm đến tại bang Penang để thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng ra giữa các bang với nhau. 

Về du lịch quốc tế, tác giả cho rằng, trước mắt Malaysia có thể áp dụng mô hình du lịch cầu hàng không với Singapore, điểm đến gần nhất của nước này.

Theo đó, dù đại dịch COVID-19 tại Singapore vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, song trên thực tế, số ca mắc mới hiện nay chỉ liên quan đến người lao động nước ngoài, trong khi dân số Singapore thì gần như là không còn ca nào. Ngành du lịch Malaysia nên sớm thảo luận vấn đề này với nước láng giềng. 

Tiếp đó, mô hình này có thể được mở rộng sang các nước ASEAN khác, trước hết là Việt Nam và Thái Lan, những quốc gia đang tiến gần đến việc trở thành "vùng xanh" về COVID-19.

Để mô hình du lịch mới mẻ này hoạt động, tác giả bài viết trên New Straits Times cho rằng sự tin tưởng giữa các nước sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Việc áp dụng cũng đòi hỏi sự phối hợp, hợp tác giữa hàng loạt cơ quan khác nhau tại mỗi nước, như y tế, nhập cảnh, hải quan, hàng không bên cạnh ngành du lịch. 

Đặc biệt, các du khách cần phải trung thực trong việc khai báo tình trạng y tế, nghiêm túc thực hiện các quy định về giữ khoảng cách xã hội, vệ sinh cũng như việc đeo khẩu trang.

Các khách sạn, nhà hàng, resort… cần phát triển và chia sẻ các bộ Thủ tục Hoạt động Tiêu chuẩn (SOP) với nhau, thống nhất và làm cơ sở để phối hợp trong đón tiếp du khách.

Tác giả Zaidi Isham Ismail cho rằng, trong khi triển vọng về vắcxin hay thuốc đặc trị chống COVID-19 vẫn còn chưa thực sự rõ rệt, hình thức du lịch cầu hàng không có thể là giải pháp cho ngành du lịch Malaysia cũng như các quốc gia khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục