Trông giữ xe gầm cầu: Cần thiết, nhưng chỉ là giải pháp tình thế

Trông giữ xe gầm cầu: Lo ngại nguy cơ cháy nổ, ùn tắc giao thông

Gầm cầu cạn trông giữ xe để giải quyết tình trạng thiếu điểm đỗ xe nghiêm trọng ở các thành phố lớn nhưng cũng cần phải xem xét các điều kiện cụ thể để đảm bảo an toàn cháy nổ và ùn tắc giao thông.
Trông giữ xe gầm cầu: Lo ngại nguy cơ cháy nổ, ùn tắc giao thông ảnh 1Điểm trông giữ xe ôtô dưới gầm cầu Vĩnh Tuy. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Đề xuất cho phép khai thác gầm cầu cạn làm bãi gửi xe được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng các gầm cầu này nếu được bố trí làm điểm trông giữ xe tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, tai nạn và ùn tắc giao thông nên cần quy định rõ điều kiện cụ thể, cân nhắc thấu đáo và kiểm tra, chấp thuận của cơ quan Nhà nước.

Giải quyết nhu cầu “khát” điểm trông giữ xe

Tại dự thảo luật Đường bộ lần thứ năm đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy định cho phép sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ xe nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo đó, dự thảo cho phép gầm cầu cạn được tạm thời sử dụng để trông giữ xe, trừ các xe chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các chất nguy hiểm khác và các xe quá niên hạn sử dụng.

Dự thảo cũng quy định khi sử dụng tạm thời gầm cầu cạn có thời hạn làm nơi trông giữ xe phải bảo đảm các quy định. Cầu có gầm làm nơi trông xe phải đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật an toàn, không quá tuổi thọ khai thác, không trong thời gian sửa chữa, kiểm định, quan trắc. Gầm cầu thuộc tuyến phố chính không được dùng để trông xe.

Điểm cao nhất của xe dưới gầm cầu cách điểm thấp nhất của dầm cầu từ 1,5m. Các xe có khoảng cách với trụ cầu từ 1,5m để bảo trì công trình. Đơn vị tổ chức trông xe dưới gầm cầu phải rời đi nếu cơ quan Nhà nước yêu cầu và không được bồi thường.

Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan công an trước khi chấp thuận việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ xe.

Đơn vị sử dụng tạm thời gầm cầu để trông giữ xe phải di chuyển ra khỏi phạm vi gầm cầu khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền... mà không được yêu cầu bồi thường.

Trường hợp sử dụng tạm thời gầm cầu vào việc trông xe có thu phí, giá phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục chấp thuận sử dụng tạm thời gầm cầu vào việc trông giữ xe.

[Trông giữ xe ở Hà Nội: Huy động nguồn vốn xã hội hóa, chống thất thu]

Trước đó, năm 2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đề xuất duy trì một số điểm trông giữ xe dưới gầm cầu vượt nhưng bị Bộ Giao thông Vận tải bác. Tuy nhiên, do thiếu bãi gửi xe nên thành phố nhiều lần kiến nghị và sau đó được Chính phủ chấp thuận. Từ năm 2020, gầm cầu Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Vĩnh Tuy được dùng làm nơi trông xe.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, số lượng phương tiện giao thông đường bộ của Thành phố Hà Nội tính đến nay khoảng trên 7,9 triệu phương tiện các loại (trong đó có khoảng 1,1 triệu xe ôtô; 6,6 triệu xe máy; 0,2 triệu xe máy điện), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10% đối với ôtô và trên 3% đối với xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.

Trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26-0,3%/năm); diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới đáp ứng được 25% nhu cầu đỗ xe và rất ít dự án bãi đỗ xe ngầm, cao tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, Thủ đô hiện có 587 cầu, trong đó có 7 cầu lớn gồm Vĩnh Tuy, Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Đông Trù, Thăng Long, Phùng. Còn lại 492 cầu nhỏ, trung; 13 cầu vượt nhẹ, 75 cầu đi bộ. Trong số này, chỉ có 3 gầm cầu Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Vĩnh Tuy đang cho trông giữ phương tiện.

“Từ tháng 6/2020 đến nay, ước tính mỗi ngày các địa điểm trên trông giữ hơn 2.000 phương tiện, chấp hành tốt các quy định, trông giữ đúng diện tích, thu đúng giá, đảm bảo an ninh, an toàn, không gây ùn tắc. Việc trông giữ xe khu vực gầm cầu đã giải quyết một phần nhu cầu của người dân, góp phần giảm áp lực giao thông tĩnh,” ông Bảo đánh giá.

Chỉ là giải pháp tình thế

Là đơn vị đang quản lý các điểm đỗ khu vực gầm cầu Chương Dương, Ngã Tư Vọng, ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết các điểm đều được đơn vị lắp camera giám sát, bố trí bình cứu hỏa. Đến nay, các gầm cầu được sử dụng trông giữ xe tạm thời chưa từng xảy ra việc cháy nổ hay mất an toàn giao thông từ hoạt động trông giữ xe.

Bày tỏ đồng tình với dự thảo luật về việc có thể sử dụng gầm cầu cạn để trông, giữ xe, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần quy định điều kiện cụ thể đi kèm nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến việc lưu thông và bảo đảm an toàn cháy nổ.

Trông giữ xe gầm cầu: Lo ngại nguy cơ cháy nổ, ùn tắc giao thông ảnh 2Hà Nội cũng đã lên phương án hạn chế xe cá nhân, giảm áp lực lên hạ tầng giao thông hay thiếu vị trí các điểm đỗ xe. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Theo ông Phan Lê Bình, chuyên gia quy hoạch giao thông, gầm cầu làm nơi đỗ xe cho xe đạp, xe máy nhằm để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị, thúc đẩy vận tải công cộng phát triển.

“Nếu bố trí gầm cầu làm bãi đỗ xe ôtô thì là nhân tố góp phần tăng thêm ùn tắc giao thông đô thị đang rất trầm trọng của Hà Nội,” ông Bình khuyến nghị.

[Hà Nội: Năm ôtô và hàng chục xe máy bị cháy tại điểm trông giữ]

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra quan điểm, đề xuất này chỉ là một giải pháp rất tình thế bởi có thực trạng phát triển đô thị thiếu bài bàn, nên hạ tầng chắp vá, tạm thời trong khi chờ giải pháp lâu dài.

“Bên dưới cầu cạn, các gầm cầu thực ra là một nút giao thông. Nếu cho gửi xe tiềm ẩn nguy cơ tắc nghẽn, va chạm giao thông, tai nạn hỏa hoạn khi có một sự cố xảy ra,” ông Đức cảnh báo.

Do vậy, ông Đức kiến nghị các thành phố, đô thị lớn và ngành giao thông cần tổ chức quy hoạch lại hạ tầng giao thông; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ôtô và các phương tiện cơ giới khác đồng thời đi kèm với các giải pháp tổng thể hạn chế xe cá nhân, đẩy mạnh hệ thống vận tải công cộng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục