Trường quốc tế “đắt xắt ra miếng” hay dở Tây-dở Ta?

Những phụ huynh "trót"  kỳ vọng nhiều ở mô hình giáo dục có tính quốc tế sẽ thật sự “sốc” vì không nhận thấy được hiệu quả giáo dục đáng kể so với học trường “ta.”
Tăng giá, tính tỷ giá vô lối, không có giải đáp thỏa đáng cho phụ huynh  chỉ là một trong nhiều nỗi bức xúc của các phụ huynh có con theo học trường quốc tế.

 “Đắt” có “xắt ra miếng?”

Thực ra tâm lý các phụ huynh sẵn sàng "kiễng chân" khi đầu tư cho tương lai của con cái,  nhưng cũng bởi vậy mà họ mong muốn và đòi hỏi một chất lượng giáo dục và thái độ giáo dục tương xứng với số tiền mà họ phải bỏ ra.

Với những phụ huynh kỳ vọng nhiều ở mô hình giáo dục có tính quốc tế sẽ thật sự “sốc” vì không nhận thấy được hiệu quả giáo dục đáng kể so với con của bạn bè cùng trang lứa chỉ học trường “ta.”

"Thật lạ, một trường quốc tế, có cơ sở dạy học ở nhiều địa điểm trên cả nước, có rất đông học sinh theo học cả ở mọi cấp học mà lại không có hệ thống email liên lạc với phụ huynh, website của họ toàn bằng tiếng Anh và chỉ là để thông báo những gì họ cần. Thực sự là kém thân thiện," anh Tuấn, phụ huynh của cháu K, học sinh lớp 6 tại Trường quốc tế Singapore (SIS) Cầu Giấy nói.

Cũng theo tìm hiểu từ phụ huynh có con học ở trường quốc tế này, chúng tôi được biết, việc họp phụ huynh ở trường không có tập thể phụ huynh, không có Hội phụ huynh của lớp như các trường trong nước?  Cha mẹ sẽ chọn gặp thầy, cô bộ môn hoặc chủ nhiệm theo giờ và làm việc riêng với người đó. Chính vì vậy, các cha mẹ cũng không biết phụ huynh của các bạn khác, còn thầy cô, thì chỉ biết đó là người mà học sinh nói là cha/mẹ chứ còn có thật sự là cha mẹ không thì lại là chuyện khác!

Chị LA có con học tại trường SIS Cầu Giấy bực bội: "Con tôi đi học về khóc thút thít, vì bị điểm 1 môn bơi.  Hỏi ra mới biết, đến giờ bơi, thầy giáo yêu cầu các học sinh xuống nước,  nhưng vì cháu đang ở kỳ kinh nguyệt nên ngồi lại trên bờ, thầy không hề hỏi một câu cho cháu ngay điểm 1. "

Tôi có hỏi cháu tại sao không giải thích với thầy lý do, cháu nói: "Đã không hỏi và muốn lắng nghe là con bị làm sao thì con nói ích gì." Việc thầy giáo, lại là người nước ngoài  thiếu tế nhị với học trò khiến ở trường hợp này chắc cô bé đã ngại ngần lại càng ngượng. Được biết rõ rằng, nếu thi lại một môn ở trường này thì phải đóng phí khá cao, có khi lên đến cả ngàn USD.  

Không thể phủ nhận các trò học trường quốc tế có các bạn nước ngoài thì việc học ngoại ngữ (thường là tiếng Anh) sẽ rất thuận lợi. Khả năng nghe và nói ngoại ngữ của các em rất tốt so với học sinh học trường bình thường. Nhưng nếu học lâu ở trường quốc tế nhiều em sẽ bị hạn chế vốn từ tiếng mẹ đẻ.

Hầu hết nhiều từ Hán-Việt các em không hiểu nghĩa. Ví dụ, khi phóng viên hỏi một học sinh lớp 12 các từ như “Tri ân,” “trữ tình,” “kháng chiến,” hay “quần” trong “quần chúng,” “ái” trong “ái quốc” hoặc “ái tình” đều không biết chút nghĩa nào?

Tây chả ra Tây mà ta thì không còn là Ta!


Mặc dù quảng cáo là "được học Tiếng Việt, Lịch sử, Đạo đức và các môn liên quan đến xã hội Việt Nam. Như ở trường SIS, học sinh không những có được sự tự tin do kết quả của nền giáo dục phương Tây mà còn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam," nhưng bằng chứng là một số học sinh sau khi học SIS không muốn đi học nước ngoài mà muốn thi đại học hệ trong nước thì đều lắc đầu với đề thi được coi là "dễ" với các học sinh "nội."

Một cô giáo dạy trung học phổ thông cho biết cô có học trò vào trường quốc tế Singapore học bắt đầu từ lớp 11, nhưng thứ bảy hàng tuần được nghỉ em đều muốn trở về lớp cũ để học tiết văn cho đỡ nhớ. Em này cho biết “Bọn em không được học môn văn, môn sử ở trường. Nếu có chỉ giới thiệu qua trong bộ môn xã hội. Lâu lắm rồi không nghe một câu thơ, không được nghe ai giảng một tác phẩm văn học Việt Nam.”

Một chuyện có thật là một học sinh đã tốt nghiệp cấp trung học phổ thông tại SIS TP Hồ Chí Minh, nhưng chưa một lần được dạy ngày 30/4 là ngày gì. Khi bị hỏi bất ngờ em đáp là “ngày giết sâu bọ.”

Khi mà các bậc phụ huynh hướng đến việc du học cho con tin vào nhờ theo học trường quốc tế thì sự “chuyển tiếp” sẽ tiện hơn học trường Việt, nhưng thực tế đã chứng minh học sinh học giỏi thực chất ở trường Việt “hội nhập” việc học rất nhanh, còn học sinh trường quốc tế thì chỉ “hội nhập” về lối sống “ngoại” là nhanh chóng!

Thế nên, các cô giáo chủ nhiệm của các trường trong nước không mấy vui vẻ khi nhận học sinh “tháo chạy” khỏi trường quốc tế về lớp mình. Vì từ đầu tóc đến tác phong đều quá tự do, “dân chủ” mà lực học thì trừ môn tiếng Anh, còn lại các môn đều chệch choạc. Học sinh N.K từ trường quốc tế Singapore về gặp cô giáo cũ tại trường em từng học nói: “Khác hẳn, giờ nghe giảng con không hiểu bài như trước nữa!”

Trong giao tiếp hàng ngày, trẻ học trường quốc tế thường ít thưa gửi, ít cúi đầu lễ phép khi chào hỏi ai. Có em hay nói cộc lốc. Có không ít em một là tự tin thái quá hai là khép kín hẳn. Có thể hiểu, việc trẻ thiếu phép tắc không phải chỉ diễn ra ở các học sinh trường quốc tế, nhưng việc các em học trường quốc tế hầu như  mất hẳn  thói quen mời ăn cơm, thiếu thái độ nhún nhường trong giao tiếp là khá phổ biến!

Một phụ huynh chia sẻ: “Cho dù gia đình chúng tôi rất muốn dạy con có nền nếp nhưng cháu đi học với trẻ em ngoại quốc cả ngày nên ý thức tự tôn cá nhân, tự do cá nhân quá mạnh. Quan sát các bạn con đến nhà chơi khi đi ngang mặt người lớn đang ngồi, không mấy trẻ biết bước chùng chân và cúi vai xuống.”

Trao đổi thêm cùng phóng viên, một phụ huynh khẳng định: “Chúng tôi cũng không mong gì nhiều theo lối cung kính phong kiến nhưng vẫn sợ con chưa thành đạt đã Tây chả ra Tây, Ta chả còn Ta.”/.

Kỳ trước: Học trường quốc tế: Tiền mất... nhiều, tật có mang?

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục