"Túi bom" Quảng Trị trong ký ức người Anh hùng Lực lượng vũ trang

Đã hơn 60 tuổi, nhưng Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hán Duy Long vẫn giữ được sự minh mẫn. Những câu chuyện của ông về tháng ngày bám trụ túi bom Quảng Trị vẫn hết sức rõ ràng như mới hôm qua...
"Túi bom" Quảng Trị trong ký ức người Anh hùng Lực lượng vũ trang ảnh 1Đại tá Hán Duy Long trong một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Chụp lại từ ảnh lưu niệm tại nhà Đại tá)

Người Đại tá già bỗng lặng đi trong giây phút những hình ảnh khốc liệt về Thành cổ Quảng Trị năm nào loang loáng chạy trên màn ảnh. Chỉ từng gương mặt, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hán Duy Long lẩm nhẩm điểm tên từng đồng đội đã gắn bó với ông trong 81 ngày khói lửa rợp trời Thành cổ năm nào.

Tự biến mình thành mục tiêu sống

Tháng 1/1971, chiến tranh mỗi lúc một trở nên ác liệt hơn. Người thanh niên 18 tuổi Hán Duy Long, lòng "nóng như lửa đốt" đã quyết định nhập ngũ. Sau 6 tháng được huấn luyện tân binh, anh lên đường vào Quảng Trị, tham gia trong Tiểu đoàn 3-Tỉnh đội Quảng Trị vốn vẫn được biết đến với cái tên K3 Tam Đảo anh hùng.

Vào lính năm 1971 thì đến đầu năm 1972, người tân binh đến từ Hà Tĩnh đã tham gia trận đánh lớn đầu tiên.

Kể về thời khắc ấy, giọng Đại tá Hán Duy Long bỗng dưng chùng lại: “Cuối tháng Tư năm đó, Đại đội 9 của chúng tôi nhận lệnh đánh chiếm cao điểm 30 Tây Đông Hà. Đây cũng là cứ điểm cửa ngõ hết sức quan trọng để mở đường cho quân ta tiến tới.”

Nhận quân lệnh, sáng ngày 28/4, toàn Đại đội 9 tập trung tấn công điểm bốt đầu cầu của cao điểm 30. Địch dùng hỏa lực mạnh gồm pháo tầm trung, súng cối và trung liên… liên tục bắn về phía quân ta. Đạn rít ầm ầm trên đầu, pháo rầm rĩ quanh các hố đã hoắm sâu và ám đầy mùi thuốc súng.

Từ các chốt điểm cao, địch liên tục sử dụng súng chống tăng bắn cháy 7 xe tăng tiến vào cửa ngõ. Bộ đội K9 Tam Đảo vừa đánh, vừa nhích từng bước một với quyết tâm chiếm bằng được cao điểm 30.

“Trận đánh bắt đầu từ khoảng 9,10 giờ sáng. Đã có rất nhiều đồng đội của chúng tôi ngã xuống khi vẫn còn hô hiệu lệnh xung phong,” mắt Đại tá Hán Duy Long bắt đầu hằn lên những tia đỏ.

Tới đầu giờ chiều, trận chiến ngày càng trở nên khốc liệt hơn khi quân ta dần áp sát cuối giao thông hào. Lúc này, người thanh niên Hán Duy Long bỗng nhoài mình chạy lên một mô đất nhô lên, hai tay cầm chặt khẩu trung liên. Xung quanh anh, khói đạn vẫn mịt mù. Từ điểm này, Long quay nòng súng, bắn xối xả về phía cứ điểm quân thù. Giữa trận địa, người thah niên trẻ bỗng chốc trở thành một cọc tiêu hút đạn của kẻ thù.

Kẻ địch giật mình, nhận thấy một tấm bia sống đứng hiên ngang cầm súng thì lập tức dồn hỏa lực bắn theo anh. Tận dụng tình thế ấy, đồng đội của anh đã lao lên phản kích và nhanh chóng chiếm cứ điểm. Hán Duy Long, trong trận chiến anh hùng ấy, cũng đã tiêu diệt 15 tên địch và thu được một khẩu súng.

Kể tới đây, vị sỹ quan già bỗng ngừng lại, mắt hướng ra xa ngái. Ông bảo, với ông, điều ám ảnh hơn trong trận chiếm cao điểm 30 là những người đồng chí, anh em đã ngã xuống.

“Trước khi chiếm thành công cao điểm khoảng một tuần, Đại đội chúng tôi đã tiến hành đánh nhiều lần nhưng không thành. Trong một trận chiến, anh Hiền, xạ thủ B50 của đơn vị đã ngã xuống,” Đại tá Long trầm tư.

Kẻ địch lợi dụng thi thể người lính làm “mồi câu” những đồng đội muốn đưa xác anh về. Chúng cài lựu đạn bên dưới, bắn tỉa từ bên trên mỗi lần Đại đội cho người cố tiếp cận.

“Bởi vậy, ngay sau chiếm được cao điểm 30 Đông Hà, trước khi kịp mừng chiến thắng, điều đầu tiên chúng tôi làm là tìm đưa Hiền về an táng,” Đại tá Long vừa nói, vừa thở dài.

Với ông, chiến tranh, bên cạnh những chiến công còn là rất nhiều nỗi đau mà tới nay, dù đã mấy chục năm vẫn chưa bao giờ lành lặn.

81 ngày đêm bám trụ "túi bom" Thành cổ

Đại tá Hán Duy Long cũng là một trong số ít những người lính trải qua đủ 81 ngày đêm chiến đấu trong "túi bom" Thành cổ Quảng Trị mà vẫn may mắn trở về.

Hơn 40 năm đã trôi qua, 81 ngày đêm ấy vẫn mãi là những ký ức hào hùng không thể nào quên với ông.

Tháng 7/1972, với mục tiêu biến Thành cổ Quảng Trị thành bàn cờ nhằm thay đổi cục diện cuộc chiến trên bàn ngoại giao sắp diễn ra tại Paris, địch điên cuồng tìm mọi cách tái chiếm. Chúng dùng nhiều loại bom, pháo và xe tăng bắn phá dữ dội vào trận địa bất kể ngày đêm.

Cũng trong thời gian này, Tiểu đoàn 3, nơi Hán Duy Long chiến đấu, được giao nhiệm vụ chốt giữ phía Đông Bắc Thành cổ.

Ngày 9/7, cả tiểu đoàn bắt đầu bí mật vượt sông và tập kết tại bờ Bắc Thạch Hãn, tới 5 giờ sáng hôm sau, tất cả bí mật vào thành.

Những ngày đó, thành cổ bị biến thành một chảo lửa nóng bỏng. Địch liên tục sử dụng các loại bom hiện đại và tối tân nhất dội xuống. Trong lửa đạn khốc liệt ấy, Thành cổ Quảng Trị với chu vi hơn 2km trở thành “túi bom của kẻ thù”. Theo thống kê, số lượng bom, đạn mà địch đã ném xuống đây tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima, Nhật Bản.

Cũng trong "túi bom" khổng lồ ấy, bộ đội ta đã làm nên những điều thần kỳ mà về sau kẻ địch cũng không thể tưởng tượng nổi. Hán Duy Long cũng góp một phần vào kỳ tích ấy.

9 giờ sáng ngày 23/8, địch mở đợt tấn công vào hướng Đông Bắc nơi Tiểu đoàn 3 chốt giữ. Chúng huy động hai đại đội cùng nhiều vũ khí tiến vào. Tổ của Hán Duy Long lúc này gồm có 5 người, nhưng sau 30 phút chiến đấu, hai chiến sỹ đã hy sinh. Bản thân Long cũng bị thương ở bả vai.

“Địch bắn rất rát. Nhìn ra các bên, đơn vị bạn cũng đã hy sinh cả. Trong khi đó, từ phía Đông Nam, địch đã bám sát để chiếm góc thành,” vị Đại tá già kể lại.

Không còn đường lùi nữa. Tổ thì chỉ còn 3 người. Long quyết định nhận lấy nhiệm vụ chỉ huy. Anh giao cho đồng chí Lê Tấn Sự làm nhiệm vụ bắn hỏa lực để kiềm chế địch, đồng chí Đằng mang đạn B40 rải dọc giao thông hào. Còn bản thân mình, Long ôm khẩu súng bắn đạn B40, quan sát địa hình, chạy dọc giao thông hào, vừa chạy vừa bắn.

“Lúc đó, tôi cứ thấy địch co cụm ở đâu là bắn đạn B40 vào. Địch buộc phải rút ra ngoài tầm đạn. Lúc này, tôi tiếp tục dùng đạn B41 bắn,” ông Long kể lại.

Trong trận chiến ấy, người lính trẻ gày gò Hán Duy Long đã làm được những điều không thể tin nổi. Sau một giờ chiến đấu, anh và hai đồng đội hạ gục 38 kẻ thù, đẩy lùi được cuộc tấn công tưởng chừng không ngang sức.

Kinh ngạc hơn, việc anh bắn tới 9 quả B40 đã đi ngược lại toàn bộ lý thuyết về khoa học quân sự thế giới. Bởi bình thường, sức người chỉ có thể chịu được khi vác súng trên vai và bắn ra 3 viên đạn B40. Nếu không, sức nổ của đạn, âm thanh dội lại có thể khiến cả cơ thể người lính hoàn toàn suy sụp.

Tới lúc này, ngồi với chúng tôi để kể lại câu chuyện khó tin ấy, ông chỉ cười. Vị Đại tá già chỉ bảo: Lúc ấy, ông chỉ biết có tiến công và cũng chẳng thể hiểu vì sao mình chịu đựng được mức đạn gấp hơn 3 lần người thường như thế.

Ngưng lời kể một lát, ông trầm ngâm bảo: Điều đau xót nhất trong những ngày chiến đấu ở Quảng Trị là cái chết của hàng trăm đồng đội, đồng chí. Nó hằn in rất sâu vào ký ức của ông. Ngồi với chúng tôi sau ngót gần nửa thế kỷ, ông vẫn rành rọt kể từng ngày, từng người đã từng sát cánh kề vai bên ông nằm xuống: Ngày 13/7, các anh Trần Văn Ngữ, Tạ Văn Vung, anh Cường chính trị phó; ngày 23/8 là các anh Phiên, Tam… Và còn rất nhiều đồng đội của ông thậm chí hy sinh khi được vừa được tăng cường từ các tuyến khác. Ngậm ngùi, ông gọi họ là những đồng chí chưa kịp quen mặt, gọi tên…

Ngày 16/9/1972, khi quân số của Tiểu đoàn bị thương vong gần hết cũng là lúc K3 được lệnh rời khỏi Thành, kết thúc chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Từ 325 người ban đầu, không tính số quân được bổ sung, cả Tiểu đoàn chỉ còn lại hơn 10 người sống sót.

Hơn 10 con người ấy, giờ dù ở nhiều miền khác nhau, nhưng số phận của họ đã gắn chặt với nhau bằng tình đồng đội, đồng chí. Năm nào, những cựu chiến binh cũng quây quần với nhau, hành trình về lại chiến trường xưa để rồi cùng khóc, cùng cười với quá khứ.

Cả những người đã nằm xuống hay những người còn sống, với chúng tôi, họ đều là những anh hùng đáng ghi nhận vào những trang sử trang trọng nhất.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục