Tương lai 'chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương' phụ thuộc vào châu Âu

Thủ tướng Đức lập luận rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cần được đánh giá lại “một cách cơ bản," trong khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh rằng hiện có “nhu cầu hành động cấp bách."
Tương lai 'chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương' phụ thuộc vào châu Âu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mạng aspistrategist.org.au, khi các chính trị gia không biết hành động ra sao trước tình huống mới hoặc khó khăn, họ thường sử dụng các thuật ngữ “rỗng tuếch." Đây dường như là trường hợp của châu Âu và mối quan hệ đang thay đổi của họ với Mỹ.

Lấy ví dụ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang lập luận rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cần được đánh giá lại “một cách cơ bản," trong khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh rằng hiện có “nhu cầu cấp bách về hành động."

Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là gì? Đâu là những đề xuất cụ thể quy định hành động nào cần thực hiện?

Thực tế ở đây đó là các nước châu Âu - đặc biệt là Đức - hài lòng với giả định rằng trật tự thời hậu chiến sẽ gần như được duy trì sau khi Liên Xô tan rã. Sau tất cả, Mỹ là siêu cường duy nhất còn lại và là người bạn thân thiết nhất của Đức.

Trong lúc Đức kiểm soát vấn đề trong nước, Mỹ (với sự giúp đỡ ít ỏi từ Pháp - một quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân và những người bạn Anh tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) sẽ đảm nhận trách nhiệm gánh vác thế giới rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, kể từ sau những biến động địa chính trị hồi thập niên 1990, Mỹ - không giống như hầu hết các nước châu Âu - đã thực sự suy nghĩ lại về thế giới đang thay đổi. Họ kết luận rằng trong thế kỷ 21, họ sẽ phải nghĩ nhiều hơn tới châu Á, cụ thể là Trung Quốc, điều đồng nghĩa rằng họ sẽ bớt chú ý tới châu Âu và khu vực xuyên Đại Tây Dương.

Do vậy, trong lúc tìm cách thu hẹp sự can dự của Mỹ ở Trung Đông và châu Âu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố “xoay trục sang châu Á” - chính sách sau đó đã chuyển thành chiến lược được định nghĩa một cách chung chung hơn là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” dưới thời chính quyền Donald Trump.

Giờ đây, khi Trung Quốc đã thay thế Liên Xô trở thành đối thủ địa chính trị lớn của Mỹ, ngày càng nhiều người đề cập đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, và số đó không chỉ nằm trong số các đồng minh và cố vấn “diều hâu” của ông Trump trong đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, Trump chắc chắn là Tổng thống Mỹ đầu tiên đã công khai đòi hỏi sự trung thành và bồi thường từ châu Âu. Thông điệp của Mỹ trong 3,5 năm qua là nếu châu Âu - đặc biệt là Đức - không đóng góp tài chính, họ sẽ không thể dựa vào sự bảo hộ của Mỹ theo Điều 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Theo quan điểm của ông Trump, thế giới đơn giản là nơi người chơi hùng mạnh nhất chiếm ưu thế. Ông không công nhận thực tế rằng các đồng minh của Mỹ là những người giúp củng cố sức mạnh của Mỹ và khiến Mỹ khác biệt với Trung Quốc và Nga. Đối với ông Trump, các đối tác và đồng minh chỉ đơn thuần là các nhân tố tiềm năng để khai thác.

Rõ ràng rằng hiện nay, châu Âu phải ngừng cúi đầu trước Mỹ. Washington sẽ luôn làm mọi thứ mà họ cho là tốt nhất, và nếu Trump thắng cử nhiệm kỳ 2 vào tháng 11 tới, ngay cả NATO sẽ không thể được an toàn. Tuy nhiên, ngay cả khi đối thủ đảng Dân chủ của Trump là Joe Biden thắng thế, Mỹ sẽ không đột ngột quay trở lại mô hình thời hậu chiến. Cho dù có hay không có ông Trump, Mỹ sẽ giảm bớt sự chú ý tới Đại Tây Dương và tập trung hơn vào Thái Bình Dương. Và trong nhiều năm tới, những người Mỹ gốc châu Âu sẽ không còn là đa số cấu thành dân số Mỹ.

2/3 người dân Mỹ cho rằng đất nước họ “đang quá bận tâm đóng vai trò cảnh sát toàn cầu hơn những gì mà họ nên làm," điều cho thấy rằng chính quyền Mỹ trong tương lai sẽ cảm nhận sức ép phải giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại vùng Cận Đông và Trung Đông. Điều đó sẽ càng giảm bớt tầm quan trọng từ lâu của Đức như một căn cứ cho các chiến dịch của Mỹ tại Trung Đông, châu Phi và những nơi khác.

Trong bối cảnh này, châu Âu phải bắt đầu xác định các lợi ích của riêng họ và làm rõ các công cụ (quân sự, kinh tế và chính trị) để thúc đẩy các lợi ích đó. Lấy ví dụ, Đức không nên để các quan điểm của Tổng thống Mỹ ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận trong nước về chi tiêu quốc phòng.

Đối với châu Âu, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ vẫn đi theo quan điểm mặc định từ trước. Châu Âu đã quyết định đứng về phía Mỹ cách đây 75 năm, và đó chính là điều sẽ được duy trì. Hiện không có khả năng châu Âu đánh đồng Mỹ, Trung Quốc và Nga bởi hai quốc gia Nga-Trung có quan điểm khác biệt về các vấn đề quản trị.

[Đức chi hơn 1 tỉ USD cho hoạt động đồn trú của quân đội Mỹ]

Sau cùng, “phương Tây” không phải là một thuật ngữ mang tính địa lý; đó là một kế hoạch chính trị được phổ cập toàn thế giới dựa trên pháp luật, sự độc lập về tư pháp, tự do ngôn luận, báo chí độc lập và các giá trị tự do cốt lõi. Bất luận sự xuất hiện của ông Trump, châu Âu và Mỹ vẫn là các nhân tố hàng đầu ủng hộ các ý tưởng này.

Thách thức của châu Âu hiện nay là phải thể hiện rằng họ có thể đạt được cân bằng giữa tự do của từng quốc gia và trách nhiệm chung. Như giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19), đây là điều “nói dễ hơn làm."

Tuy nhiên, kể từ đó, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiến hành bước đi theo đúng hướng với việc đưa ra đề xuất chung về quỹ phục hồi châu Âu.

Châu Âu nên nhận ra rằng khi họ nhắc đến việc suy nghĩ lại “một cách thấu đáo” thái độ của họ với Mỹ, họ đang thực sự thể hiện sự thay đổi trong nhận thức. Trên thực tế, hiện các nước đang cảm thấy “nhu cầu cấp bách về hành động." Đã qua rồi những ngày tháng khi các nước ngồi yên và cho phép các tàu sân bay Mỹ thể hiện các lợi ích của chúng ta./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục