Tương lai của Liên minh quân sự NATO trong một thế giới đang thay đổi

Khái niệm "Chiến lược mới" của NATO đưa ra có một số đổi mới, lần đầu tiên chứng kiến sự tham gia của các nước đối tác đến từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Trung Đông, cũng như Thụy Điển, Phần Lan.
Tương lai của Liên minh quân sự NATO trong một thế giới đang thay đổi ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 30/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/6, trang mạng formiche.net (Italy) đăng bài viết của tác giả Gaia Ravazzolo với nội dung như sau:

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Madrid (Tây Ban Nha) diễn ra vào ngày 28-30/6. Tại hội nghị này, NATO sẽ thông qua "Khái niệm Chiến lược mới" - văn kiện phác thảo những ưu tiên chiến lược mới của khối này sau 12 năm chưa được cập nhật kể từ Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lisbon năm 2010.

"Khái niệm Chiến lược mới" được công bố sẽ đưa ra một số đổi mới so với trước đây, lần đầu tiên chứng kiến sự tham gia của các nước đối tác đến từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Trung Đông, cũng như Thụy Điển và Phần Lan - những nước đang theo đuổi tư cách thành viên trong liên minh.

Vài ngày trước khi hội nghị được khai mạc tại Tây Ban Nha, Quỹ Cao đẳng Quốc phòng NATO (NDCF) đã phối hợp với tổ chức Compagnia di San Paolo và Trường Cao đẳng Quốc phòng NATO tổ chức hội nghị "Một liên minh phù hợp trong thế giới đang thay đổi" tại Rome (Italy) nhằm phân tích những kịch bản có thể xảy ra của liên minh này trong tương lai .

Toàn cảnh an ninh

Những thách thức được tạo ra trong bối cảnh địa chính trị hiện nay ngày càng mang tính toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến những thay đổi do công nghệ mới mang lại. Đại sứ Alessandro Minuto-Rizzo, Chủ tịch NDCF và là cựu Phó Tổng thư ký NATO, nói: “Chúng ta phải xem xét an ninh quốc tế ở toàn cảnh 360 độ vì an ninh toàn cầu phải được giải quyết theo mọi hướng. Chủ nghĩa đa phương không hề lỗi thời, mỗi ngày trôi qua chúng ta lại nhận ra rằng việc ứng phó với những thách thức đang nổi lên dưới mọi hình thức chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta đoàn kết, không một nhà nước nào có thể giải quyết được tất cả những vấn đề này và điều đó là hợp lý vì những thách thức hiện nay có tính chất toàn cầu và do đó phải cùng nhau đối mặt.”

Tương lai của Liên minh quân sự NATO trong một thế giới đang thay đổi ảnh 2Ngày 29/6/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (phải) tiến hành hội đàm ba bên ở Madrid (Tây Ban Nha), bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cũng theo ông Alessandro, trong bối cảnh liên tục thay đổi đó, những khu vực trên thế giới được quan tâm cũng đang thay đổi, do đó "chúng ta phải nhìn địa lý theo một cách mới, hướng tới các khu vực ngày càng quan trọng như châu Phi, Sahel và tất nhiên là cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Về khía cạnh chính trị

Những nhận định của Đại sứ Alessandro Minuto-Rizzo nhận được sự đồng tình của người đứng đầu trường Cao đẳng Quốc phòng NATO, Tướng Olivier Rittimann.

Ông nói: “Nhiều suy đoán đang được đưa ra về nội dung của 'Khái niệm Chiến lược mới', tài liệu sẽ được xuất bản trong vài ngày tới, song trọng tâm sẽ nhấn mạnh đến các vấn đề về bảo vệ các giá trị chung, củng cố liên minh, khả năng phục hồi xã hội, việc nhận thức những thách thức toàn cầu và vai trò của NATO với tư cách là một định chế gắn kết Bắc Mỹ với châu Âu.”

Sự bổ sung giữa EU và NATO

Liên quan đến mối quan hệ bổ sung giữa NATO và Liên minh châu Âu (EU), phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Piero Fassino nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực quốc phòng để đối mặt với những thách thức hiện nay.

Ông cho biết: “Mục tiêu của Liên minh châu Âu trong việc sử dụng hệ thống quốc phòng và an ninh của riêng mình không phải là một giải pháp thay thế cho NATO, mà là một phương thức bổ sung. Trong đó, châu Âu gánh vác trách nhiệm lớn hơn bao giờ hết và tăng cường khả năng hành động của mình.

[NATO lập quỹ 1 tỷ USD nghiên cứu công nghệ có thể dùng trong quân sự]

Để đảm bảo hiệu quả, hệ thống an ninh như vậy cần một Liên minh châu Âu có chính sách đối ngoại phù hợp hơn. Do đó, các nước châu Âu và Mỹ cần nỗ lực hơn nữa. Người dân châu Âu phải hiểu rằng an ninh là vấn đề ưu tiên và phải đảm nhận mọi trách nhiệm cần thiết, kể cả mục tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng, một trong những thách thức chính mà chúng ta phải đối mặt trong những thập kỷ tới.”

Quan điểm của Italy

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Benedetto Della Vedova tập trung phân tích vai trò của Italy. Ông Benedetto nhấn mạnh: “NATO vẫn phải duy trì các nhiệm vụ cơ bản của mình, đảm bảo linh hoạt và hướng tới tương lai.

Đối với Italy, chúng ta phải tiếp tục theo đuổi một cách tiếp cận toàn diện để bảo vệ an ninh chung. Nói cách khác, Italy nhận thấy NATO ngày càng quan trọng đối với an ninh quốc gia của mình.”

Ban lãnh đạo mới của liên minh

Bối cảnh khủng hoảng hiện nay đòi hỏi một đội ngũ lãnh đạo vững vàng cũng như một quy trình ra quyết định chắc chắn trong liên minh. Đây là trọng tâm của phiên thảo luận đầu tiên với sự tham gia của Eric Terzuolo - Giáo sư trường Đại học Mỹ (Washington); Benoît d'Aboville - nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược (Paris); Matthias Dembinski - thành viên Viện nghiên cứu Hòa bình (Frankfurt); và Vincenzo Camporini - cựu Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Italy.

Tương lai của Liên minh quân sự NATO trong một thế giới đang thay đổi ảnh 3Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

"Khái niệm Chiến lược mới" sẽ là một công cụ quan trọng để làm rõ định hướng chung và các ưu tiên mới của liên minh. Tuy nhiên, có nhiều lợi ích đang bị đe dọa. Những ưu tiên sẽ xuất phát từ khả năng kết hợp hài hòa tầm nhìn và ưu tiên khác nhau của các nước thành viên cũng như từ việc thiết lập các tham số hiệu quả hơn nữa nhằm đo lường chính xác mức đóng góp vào các nỗ lực chung, đặc biệt là việc cố gắng duy trì tính thống nhất về an ninh, song vẫn có sự phân chia một cách tổng thể về trách nhiệm giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Cân bằng giữa các mối đe dọa và cơ hội

Tại hội nghị, vai trò của “con Rồng châu Á” Trung Quốc là một trong những chủ đề được tập trung thảo luận nhất. Trên thực tế, đại dịch COVID-19 đã đưa vai trò của Trung Quốc quay lại trọng tâm tranh luận trong bối cảnh phức tạp của toàn cầu hóa.

Phiên thảo luận thứ hai - với sự tham gia của Richard Hooker, thành viên cấp cao Hội đồng Đại Tây Dương; Rajendra Abhyankar, nguyên Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Ấn Độ; và Christian Koch, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh (Jeddah) - đã tập trung làm rõ cách thức mở rộng hợp tác an ninh với các đối tác toàn cầu ở châu Á và về vai trò của NATO trong việc ngăn chặn bất ổn ở Bắc Phi và khu vực Maghreb.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, và theo học giả Hooker, "giới lãnh đạo NATO hiện có suy nghĩ rằng liên minh nên tăng cường can dự ở khu vực Thái Bình Dương, nhất là điều động lực lượng trong trường hợp xảy ra xung đột, song điều này trái ngược với quan điểm của hầu hết các nước châu Âu và dư luận châu lục này.”

Khác biệt đó có thể tạo ra căng thẳng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương như từng xảy ra trong trường hợp công nghệ 5G của Trung Quốc được giới thiệu ở châu Âu.

Theo ông Hooker, những căng thẳng như vậy cần được hạn chế, đồng thời lưu ý rằng "Trung Quốc là một quốc gia độc tài, muốn hợp pháp hóa hệ thống chính quyền của mình, và các nhà lãnh đạo độc tài khác trên thế giới muốn đi chung đường với Trung Quốc, điều này đặt ra mối đe dọa thực sự nghiêm trọng đối với các giá trị dân chủ của phương Tây.”

An ninh lương thực, địa chính trị và khu vực tư nhân

An ninh lương thực là một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong chương trình nghị sự quốc tế và tiếp tục khiến các nước đồng minh lo lắng, đặc biệt là sau những tác động từ cuộc chiến Ukraine đến nguồn cung ngũ cốc.

Trên thực tế, an ninh lương thực là một bộ phận không tách rời khỏi những thách thức đang nổi lên. Do đó, phiên thảo luận cuối cùng tại hội nghị đã được dành để làm rõ các kịch bản và vai trò của các đối tác công tư cũng như về phương pháp tiếp cận mới được áp dụng để giúp giải quyết vấn đề này.

Phiên thảo luận có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (Ifad) Jyotsna Puri, Đại sứ Bahrain tại Italy Naser M. Y. Al-Belooshi và Tư lệnh phụ trách y tế lực lượng Hiến binh Italy Alfredo Antro, tập trung đề cập đến tương lai của an ninh lương thực, những hệ lụy và khả năng tác động đối với khu vực tư nhân, nhưng trên hết là về cách thức tăng cường hiệu quả hợp tác giữa nhà nước và tư nhân.

Khu vực tư nhân, đặc biệt là về công nghiệp, có nguy cơ phải gánh chịu rất nhiều vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, trước hết là do đại dịch và sau đó là hậu quả của cuộc chiến Ukraine.

Về khía cạnh này, ông Piergiorgio Marini - Giám đốc phụ trách đối ngoại và chống buôn bán trái phép của Philip Morris International - khẳng định: “Hiện tại, chúng ta đang nói về lĩnh vực thực phẩm nhưng tôi tin rằng trong những năm tới, chúng ta sẽ nói đến cả sự gián đoạn chuỗi cung ứng đối với nhiều sản phẩm khác. Điều này sẽ gây ra tình trạng khan hiếm và là yếu tố dẫn đến gian lận thị trường, một thực tế chúng ta đã thấy đối với vaccine trong đại dịch COVID-19”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục