Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức giảm xuống mức thấp nhất từ năm 1990

Theo Cơ quan Lao động Đức, tỷ lệ thất nghiệp của Đức trong tháng ​2 này tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 5,4%; là tỷ lệ thấp nhất kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức giảm xuống mức thấp nhất từ năm 1990 ảnh 1Công nhân làm việc tại Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu vừa được Cơ quan Lao động Liên bang Đức công bố cho biết tỷ lệ thất nghiệp của Đức trong tháng ​Hai này tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 5,4%.

Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990 cho đến nay.

Kinh tế Đức trong năm 2017 tăng trưởng 2,2% và tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong hai tháng đầu năm nay, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng mạnh.

Số người không có việc làm tại Đức trong tháng ​Hai này giảm thêm 24.000 người. Hiện tại, chỉ còn khoảng 2,54 triệu người Đức không có việc làm. So với cùng kỳ năm 2017, số người thất nghiệp đã giảm 216.000 người.

[Đức là nơi người thất nghiệp có nguy cơ cao nhất về đói nghèo]

Cũng do kinh tế tăng trưởng mạnh và nhu cầu việc làm lớn, các tổ chức công đoàn tại Đức đã liên tiếp gây sức ép lên chính phủ cũng như giới chủ trong việc tăng lương và giảm giờ làm cho người lao động.

Hồi đầu tháng Hai này, khoảng 3,9 triệu công nhân trong các ngành công nghiệp đã đạt được thỏa thuận tăng lương 4% cũng như linh hoạt hơn về thời gian làm việc sau các cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày do Nghiệp đoàn công nhân ngành luyện kim của Đức IG Metall phát động.

Đầu tuần này, tổ chức công đoàn Verdi cũng bắt đầu bước vào cuộc đàm phán với chính phủ về việc tăng lương cho các công chức cũng như nhân viên của chính phủ và chính quyền các thành phố thêm ít nhất 6%.

Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm, do việc thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang bị kéo dài, niềm tin của người tiêu dùng đã bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm.

Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường GfK cho thấy, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Đức đã giảm 0,2 điểm trong tháng Hai này.

Trong khi đó, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong tháng ​Hai này được xác định ở mức 1,2%, thấp hơn hẳn so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Giới chuyên gia cho rằng với diễn biến này, ECB sẽ chưa vội ngừng chương trình nới lỏng định lượng trong tương lai gần.

Nhằm thúc đẩy lạm phát và giúp châu Âu vượt qua các cuộc khủng hoảng tài chính, ECB đã duy trì mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Đi kèm với đó là chương trình nới lỏng định lượng mua lại trái phiếu trị giá hàng chục tỷ USD nhằm bơm tiền cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Hồi đầu tháng Hai này, ECB thông báo sẽ duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ sau cuộc họp chính sách hàng tháng, theo đó tiếp tục chương trình QE ở mức 30 tỷ euro/tháng sau khi quyết định thu hẹp gói QE từ mức 60 tỷ euro/tháng hồi tháng 10/2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục