Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội

Tại Việt Nam, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã, đang góp phần tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, thúc đẩy sự phát triển của mọi lĩnh vực, làm đòn bẩy thúc đấy sự phát triển kinh tế-xã hội.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Bác sỹ Bệnh viện Gia An 115 Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID chẩn đoán, điều trị đột quỵ. (Ảnh: TTXVN)

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công cụ cốt lõi để tạo nên sức đột phá của các sản phẩm công nghệ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của trí tuệ nhân tạo trong mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội.

Tại Việt Nam, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã, đang góp phần tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, thúc đẩy sự phát triển của mọi lĩnh vực, làm đòn bẩy thúc đấy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Quan tâm, đầu tư sớm

Xác định trí tuệ nhân tạo là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năm 2014, trí tuệ nhân tạo được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển, tổ chức triển khai nghiên cứu với các nội dung chi tiết, cụ thể tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: “Khoa học công nghệ nói chung, công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo nói riêng là công cụ mang lại những thời cơ rất lớn để Việt Nam phát triển nhanh hơn, bắt kịp với các nước phát triển."

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trí tuệ nhân tạo tưởng chừng là vấn đề “khó hiểu” nhưng có thể chia ra thành các bài toán nhỏ, giúp giải quyết những vấn đề cụ thể ở Việt Nam như trong y tế, giáo dục, điều khiển giao thông… Nhiều vấn đề nhỏ, cụ thể góp lại sẽ thành một sản phẩm lớn. Bởi lẽ bản chất của các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện nay của Việt Nam đều hướng đến việc phát triển một xã hội an toàn, văn minh, phục vụ một đất nước hùng cường.

Khi tham mưu cho Chính phủ xây dựng những chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề cập đến nội dung trí tuệ nhân tạo. Tháng 10/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kế hoạch triển khai "Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025" nhằm liên kết nối các bên để phát triển, nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy công nghệ phát triển ở các lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt chương trình khoa học công nghệ trọng điểm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm là tập trung nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo.

Cụ thể, Bộ đã khơi thông nguồn vốn cho các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo qua các quỹ đầu tư trong nước quốc tế.

Tháng 6/2019, tại sự kiện Vietnam Venture Summit, 18 quỹ đầu tư quốc tế và trong nước cam kết đầu tư 425 triệu USD cho start-up (người khởi nghiệp) Việt trong 3 năm tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong công nghệ, trong đó có hạng mục trí tuệ nhân tạo, đồng thời xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cụ thể là xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia với mô hình theo thông lệ quốc tế, với thể chế cạnh tranh, vượt trội cũng đang là mục tiêu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ứng dụng trong mọi lĩnh vực

Trong khoảng 30 năm tới, trí tuệ nhân tạo được cho là sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội, sinh hoạt của con người, tiến tới biến đổi thế giới một cách mạnh mẽ. Trên thế giới, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo liên tục tăng, từ hơn 400 triệu USD vào năm 2012, đã tăng lên đến 5 tỷ USD vào năm 2017, tương đương với số tiền đầu tư tăng gấp đôi sau mỗi năm.

Theo nghiên cứu mới nhất của hãng tư vấn công nghệ Gartner, ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo toàn cầu năm 2018 có sự tăng trưởng đột phá (cao hơn 70%) so với năm 2017, đạt giá trị gần 1,2 nghìn tỷ USD.

Trí tuệ nhân tạo có khả năng trở thành công nghệ mang tính đột phá nhất trong 10 năm tới nhờ có những tiến bộ về công suất tính toán, sự nhảy vọt về khối lượng, tốc độ, sự đa dạng của dữ liệu.

Các nghiên cứu về công nghệ trí tuệ nhân tạo cho những sản phẩm mới đang tạo ra những ứng dụng khó tin khi máy móc, thiết bị đang ngày càng tiến sát đến khả năng của con người. Thậm chí, trong nhiều lĩnh vực, máy móc có trí tuệ nhân tạo có khả năng vượt trội hơn con người.

Hơn 10 năm trước, nhiều người hoài nghi trước dự báo “50 năm nữa loài người sẽ có máy tính nhận dạng hình ảnh tốt như mắt người."

[Phát triển trí tuệ nhân tạo: Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới]

Thực tế cho thấy chỉ 10 năm sau, máy tính nhận dạng được hình ảnh đã xuất hiện. Đến năm 2016, nhiều máy móc đã vượt qua khả năng nhận diện, phân tích hình ảnh bằng mắt thường của con người.

Trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện giọng nói, dịch thuật, Google Translate (công cụ dịch của Google) được xem là sản phẩm vô cùng tiện ích.

Ban đầu, công nghệ của Google chỉ nhận ra được 3 trong 4 từ bạn nói ra (tương đương 75%). Đến nay, Google có thể nhận diện được đến hơn 95% các từ thông dụng.

Trong lĩnh vực y tế, một nghiên cứu của trường Đại học Stanford (Hoa Kỳ) đã chứng minh khi áp dụng thuật toán để nhận dạng về bệnh ung thư gan, máy chẩn đoán bệnh ngang tầm của các bác sỹ chuyên khoa.

Nhiều công ty tại Hoa Kỳ, Trung Quốc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất các xe tự lái đạt độ chính xác, an toàn cao.

Hiện, hệ thống giám sát hành trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu triển khai có khả năng theo dõi khoảng một triệu xe khách, xe kinh doanh vận tải trên phạm vi toàn quốc.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trí tuệ nhân tạo đang hỗ trợ hệ thống giám sát camera giao thông, điều chỉnh tín hiệu đèn. Xe tự lái (có ứng dụng trí tuệ nhân tạo) có khả năng tự động tránh người, vật cản đang được sử dụng tại khu đô thị Ecopark (Hà Nội).

Trong lĩnh vực giáo dục, những hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng để đồng hành, hỗ trợ từng học viên được triển khai ở một số trường học nhằm giúp giáo viên quản lý tốt hơn các lớp học có sỹ số lên đến 50, 60 học sinh, thậm chí là nhiều học sinh hơn thế.

Trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện K (Hà Nội) đã bước đầu thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ các bác sỹ đưa ra phác đồ điều trị ung thư tối ưu cho từng bệnh nhân, mang lại những kết quả rất khả quan.

Như vậy, sau một thời gian phát triển, trí tuệ nhân tạo đã hiện diện ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, làm thay đổi đời sống hàng ngày.

Tiến sỹ Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ trí tuệ nhân tạo làm cho các hệ thống thông minh hơn, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam có những bước đột phá rất mạnh.

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT cho biết: “Mỗi tháng, công ty có khoảng 5 triệu lượt sử dụng dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể thấy, nhu cầu sử dụng các dịch vụ ứng dụng AI đang tăng trưởng mạnh. AI đang dần len lỏi vào cuộc sống của người Việt và có tốc độ tăng trưởng rất nhanh."

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội ảnh 2Camera giám sát tích hợp AI tại QTSC giúp phát hiện xe vi phạm giao thông. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo giáo sư Vũ Hà Văn, Viện trưởng Viện nghiên cứu dữ liệu lớn, Tập đoàn Vingroup, nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang là làn sóng mới, hứa hẹn thay đổi mọi mặt của đời sống, thậm chí thay đổi hoàn toàn bộ mặt nền kinh tế của một quốc gia. Đây vừa là cơ hộ, nhưng cũng là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Với sự định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, sự tập trung nguồn lực của các bộ, ngành, sự đầu tư trong việc nghiên cứu, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo của các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn như FPT, VNPT, Viettel, Vingroup, CMC... để tập trung đào tạo nhân lực cho ngành trí tuệ nhân tạo của các trường cao đẳng, đại học, cơ sở đào tạo, tương lai không xa, Việt Nam sẽ có những sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ cho cuộc sống của con người văn minh, hiện đại hơn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh tế, tạo bước phát triển đột phá mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục