VACNE: Cả nước có trên 7.000 cây cổ thụ được công nhận là “Cây Di sản”

Trên cả nước hiện có hơn 7.000 “Cây Di sản Việt Nam” thuộc 135 loài, phân bổ trên 55 tỉnh, thành phố từ địa đầu Hà Giang đến cực nam mũi Cà Mau, từ núi cao Trường Sơn tới Trường Sa.

Một trong hai cây bách xanh vừa được công nhận "Cây Di sản Việt Nam." (Nguồn: VACNE)
Một trong hai cây bách xanh vừa được công nhận "Cây Di sản Việt Nam." (Nguồn: VACNE)

Chiều 29/2, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) Trần Văn Miều cho biết tổ chức này vừa công bố 2 cây bách xanh hơn 300 năm tuổi thuộc quần thể bách xanh trong Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) là “Cây Di sản Việt Nam.”

Như vậy tính đến nay, trên cả nước có hơn 7.000 “Cây Di sản Việt Nam” thuộc 135 loài, phân bổ trên 55 tỉnh, thành phố từ địa đầu Hà Giang đến cực nam mũi Cà Mau, từ núi cao Trường Sơn Tây Nguyên tới Côn Đảo, Trường Sa.

Về việc công nhận 2 cây bách xanh tại Vườn Quốc gia Ba Vì là “Cây Di sản Việt Nam,” đại diện VACNE cho biết 2 cây bách xanh trên ở vị trí gần các đỉnh Vua, đỉnh Ngọc Hoa, trên núi đá tại dông yên ngựa Tiểu Đồng - Tản Viên ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển.

Bằng phương pháp giải tích thân cây, đếm số vòng nằm trên thớt theo bán kính, cơ quan chuyên môn đã ước tính một cây bách xanh có tuổi thọ từ 313 đến 373 năm; cây bách xanh còn lại có tuổi thọ từ 365 đến 434 năm.

Bách xanh (hay còn gọi là tô hạp hương, tùng hương) là loài cây gỗ quý trong Sách Đỏ, danh lục đỏ Việt Nam. Với gỗ thớ thẳng, mịn, thơm, không bị mối mọt, dễ gia công, bách xanh được dùng trong xây dựng, đóng đồ cao cấp, làm hàng mỹ nghệ. Do gỗ thơm nên bách xanh còn được dùng làm bột hương cao cấp thay cho gỗ Hoàng đàn đã cạn kiệt.

Ngoài Vườn quốc gia Ba Vì, bách xanh còn xuất hiện ở trên địa bàn các tỉnh như Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Dù có khu phân bố rộng, bách xanh đã bị khai thác nhiều để lấy gỗ dùng trong nước và xuất khẩu, nếu không được bảo vệ sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Trong số các “Cây Di sản” đã được công nhận, theo tiến sỹ Trần Văn Miều, có những cây cổ thụ là một quần thể cây không thể tách rời; nhiều cây nghìn tuổi gắn liền với ý nghĩa lịch sử, văn hóa của đất nước.

Đơn cử như quần thể cây rặng duối với 18 cây ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội) có tuổi thọ trên dưới 1.000 năm, từng là nơi Vua Ngô Quyền làm chỗ buộc voi, ngựa chiến sau các cuộc tập trận để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc.

Cây đa 1.000 tuổi ở đình Quán La, phường Xuân La, quận Tây Hồ (thành phố Hà Nội), trong một lần về thăm phường Xuân La tháng 11/1958, Bác Hồ đã đứng dưới bóng mát của cây cổ thụ này và căn dặn cán bộ, nhân dân địa phương phải bảo vệ, gìn giữ những cây bóng mát cho con cháu mai sau…

Ngoài ra có những cây đạt kỷ lục cây cao nhất Việt Nam được ghi nhận là cây sa mu dầu cao hơn 70m ở Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An); cây cao tuổi nhất 2.200 tuổi là hai cây táu, có từ thời An Dương Vương ở Việt Trì (tỉnh Phú Thọ); cây đơn thân lớn nhất là cây tung ở tỉnh Đắk Lắk có đường kính 6,5m; cây nằm ở độ cao nhất là cây đỗ quyên cành thô của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, 2.700m.

Địa phương có số lượng cây di sản nhiều nhất là quần thể Pơ mu Tây Giang, tỉnh Quảng Nam với 725 cây.

Sáng kiến bảo tồn “Cây Di sản Việt Nam” được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động ngày 18/3/2010 nhân năm mở đầu Thập kỷ Đa dạng Sinh học do Liên hợp quốc khởi xướng.

Đây là sáng kiến quan trọng góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là mở ra những hướng hoạt động mới trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và ứng phó biến đổi khí hậu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục