Theo tờ Thời báo Nhật Bản, việc Ấn Độ rút khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một thất bại đối với quá trình hội nhập kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ban đầu, có 16 nền kinh tế, chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu, tham gia đàm phán RCEP. Vì vậy, hiệp định này sẽ có ảnh hưởng mang tính hệ thống tới cấu trúc kinh tế toàn cầu.
Do đây là hiệp định thương mại khu vực đầu tiên có sự tham gia của Ấn Độ, nên RCEP được coi là biểu hiện kinh tế đầu tiên của khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
[Ấn Độ không tham gia RCEP có lợi cho những khu vực dễ bị tổn thương]
Tuy nhiên, điều gì đang diễn ra đối với hiệp định thương mại khu vực này? Liệu các cuộc đàm phán về RCEP-15 có thể hoàn thành vào năm 2020 với sự tham gia của 15 nền kinh tế (không bao gồm Ấn Độ)? Hay việc Ấn Độ rút khỏi cuộc đàm phán sẽ khiến các nhà thương lượng phải bắt đầu lại từ đầu?
Kết quả của quá trình này tùy thuộc vào cách tiếp cận của Chính phủ Nhật Bản đối với vấn đề Ấn Độ rút khỏi cuộc đàm phán này.
Và điều đó cũng thể hiện vai trò mới của Nhật Bản với tư cách nước có ảnh hưởng tới các thỏa thuận thương mại khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều thời gian và nỗ lực cho sự tham gia của Ấn Độ vào RCEP.
Đây là một thỏa thuận ASEAN+6 mà Tokyo đã thúc đẩy vào năm 2012, trong bối cảnh Trung Quốc đưa ra đề xuất ASEAN+3 nhằm loại bỏ sự tham gia của Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Nhật Bản là một trong những nước đi đầu ủng hộ cho khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm đưa Ấn Độ hội nhập sâu hơn vào các cấu trúc khu vực.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã nhanh chóng nâng cấp quan hệ song phương với Ấn Độ và một trong những thành quả đó là cuộc họp cấp bộ trưởng 2+2 giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước vào tháng 11.
Vì vậy, việc Ấn Độ rút khỏi RCEP là một thất bại chiến lược quan trọng đối với ngành ngoại giao của Nhật Bản.
Điều này phản ánh qua các phát biểu chính thức của phía Nhật Bản. Khi được hỏi về việc liệu RCEP sẽ tiếp tục tiến triển mà không có Ấn Độ, Trưởng đoàn đàm phán của Nhật Bản nói: “Chúng tôi chưa nghĩ gì về điều đó… Nhật Bản sẽ tiếp tục cố gắng để thuyết phục Ấn Độ tham gia.”
Sau đó, Nhật Bản đã nỗ lực dàn xếp cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình liên quan tới những sửa đổi gần đây trong các luật về tư cách công dân đã khiến cuộc gặp thượng đỉnh này bị hoãn vô thời hạn.
Trong bất cứ tình huống nào, khả năng Nhật Bản có thể thuyết phục Ấn Độ quay lại bàn đàm phán là rất thấp.
Sự bế tắc trong quan hệ Ấn-Trung liên quan tới vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại đã gây trở ngại cho các cuộc đàm phán trong những năm qua, và các đề xuất của New Dehli về các thỏa thuận song phương đặc biệt giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã bị phản đối.
Tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về việc nước này rút khỏi các cuộc đàm phán về RCEP đã khẳng định một cách rõ ràng: “Hình thức hiện tại của thỏa thuận RCEP không phản ánh đầy đủ vấn đề cơ bản và các nguyên tắc chỉ đạo đã được nhất trí của RCEP. Nó cũng không giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề và quan ngại của Ấn Độ. Trong bối cảnh như vậy, Ấn Độ không thể tham gia vào thỏa thuận RCEP.”
Ngược lại, các thành viên còn lại của RCEP dự định sẽ tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận này.
Tuyên bố gần đây nhất của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế tham gia đàm phán RCEP khẳng định 15 nước đã hoàn tất các cuộc đàm phán về nội dung văn bản và phần lớn các vấn đề thuế quan. Mục tiêu hiện nay là ký kết văn bản về mặt pháp lý vào tháng 2/2020.
Giờ đây, Nhật Bản đang phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn giữa mục tiêu chiến lược và mục tiêu kinh tế: Liệu Tokyo sẽ từ chối ký một thỏa thuận RCEP không có Ấn Độ? Hay nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy RCEP-15 và bảo vệ một thỏa thuận thương mại quan trọng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?
Thực ra, Nhật Bản đã từng lâm vào tình thế khó khăn như vậy trong các cuộc đàm phán trước đó liên quan tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP vào đầu năm 2017, nhiều người cho rằng TPP "đã chết."
Mục tiêu chiến lược của Nhật Bản là nỗ lực thuyết phục Tổng thống Trump thay đổi quyết định đó, nhưng Tokyo đã không thành công trong việc thực hiện mục tiêu này.
Tuy nhiên, sau đó, Tokyo đã chuyển sang mục tiêu kinh tế khi nỗ lực hoàn tất TPP mà không có sự tham gia của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tokyo đã đi đầu và xây dựng một liên minh gồm các đối tác có chung ý tưởng để cứu vãn thỏa thuận thương mại này và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết chỉ một năm sau đó.
Nhật Bản có thể thúc đẩy TPP-11 thành công, bởi vì nước này có những phẩm chất của một nước đi đầu về ngoại giao thương mại.
Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Nhật Bản có quy mô thị trường đủ lớn để đưa ra con bài quan trọng trong các cuộc thương lượng với các đối tác.
Tokyo cũng có các quan hệ ngoại giao đáng tin cậy với phần lớn các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhất là với các nước thành viên ASEAN.
Và Tokyo cũng đã thể hiện năng lực dàn xếp, nhất là việc nước này sẵn sàng đưa ngành nông nghiệp - một lĩnh vực nhạy cảm về mặt đối nội - vào TPP.
Hơn thế nữa, Nhật Bản là quốc gia duy nhất có khả năng cầm trịch vấn đề thương mại khu vực tại thời điểm hiện nay.
Các biện pháp mang tính cưỡng ép về thương mại của Chính quyền Tổng thống Trump đã làm giảm niềm tin của các đối tác vào Mỹ và khiến nước này bị loại ra khỏi các cuộc đàm phán đa phương quan trọng.
Những nước ủng hộ tự do hóa thương mại khác như Singapore, Thái Lan và Australia lại đang thiếu năng lực lãnh đạo về kinh tế hoặc ngoại giao.
Trong khi đó, Trung Quốc lại mang các vấn đề phức tạp và đôi khi là các vấn đề xung đột địa-chính trị lên bàn đàm phán, và điều này được thể hiện rõ qua tâm lý chống Trung Quốc của Ấn Độ trong các cuộc đàm phán về RCEP.
Trong lần thứ hai phải đối mặt với một quyết định chỉ trong vòng 2 năm, Nhật Bản nhận thấy nước này có vai trò chi phối đối với một thỏa thuận thương mại khu vực có quy mô lớn và tầm ảnh hưởng mang tính hệ thống trên toàn cầu.
Việc Tokyo lựa chọn ưu tiên cho mục tiêu chiến lược hay kinh tế có thể sẽ quyết định tương lai của cấu trúc kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.