Vấn đề Brexit: Anh mong muốn hợp tác hữu nghị với EU trong tương lai

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất chế tài thương mại đối với Anh trong tương lai và Anh có thể bị phạt hoặc mất quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường châu Âu nếu vi phạm cam kết thương mại.
Vấn đề Brexit: Anh mong muốn hợp tác hữu nghị với EU trong tương lai ảnh 1Hoa quả được bày bán tại một cửa hàng ở phía nam London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Anh mong muốn mối quan hệ trong tương lai với Liên minh châu Âu (EU) dựa trên sự hợp tác hữu nghị là khẳng định của người phát ngôn Thủ tướng Anh đưa ra ngày 21/1, khi được hỏi về thông tin cho rằng London có thể bị phạt nếu vi phạm những điều khoản của thỏa thuận thương mại tương lai với EU.

Trước đó, ngày 20/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất chế tài thương mại đối với Anh trong tương lai. Theo đó, Anh có thể bị phạt hoặc mất quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường châu Âu nếu vi phạm cam kết thương mại.

Động thái này của EU nhằm bảo đảm thương mại và các hoạt động tương lai với Anh hậu Brexit được bảo đảm bằng các điều khoản chặt chẽ, cho phép mỗi bên hành động quyết đoán để bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp bên kia vi phạm cam kết.

Pháp và một số thành viên chủ chốt khác trong EU đang gây sức ép để Anh phải tuân thủ các quy định của EU trong những lĩnh vực như chính sách môi trường và thị trường lao động, trợ cấp của nhà nước và thuế. EU cho rằng việc tuân thủ này là “đặc biệt cần thiết” để bảo vệ các doanh nghiệp của châu Âu khỏi sự cạnh tranh không bình đẳng.

[Vấn đề Brexit: EC đề xuất chế tài thương mại với Anh trong tương lai]

Cũng liên quan vấn đề Brexit, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết Chính phủ Anh sẽ tìm cách bác bỏ bất cứ thay đổi nào mà Thượng viện nước này đề xuất đối với thỏa thuận Brexit.

Trong quy trình thông qua thỏa thuận Brexit, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã vấp phải ba thất bại liên tiếp tại Thượng viện trong ngày 20/1. Theo đó, các Thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ cấp giấy tờ cư trú cho các công dân EU được phép ở lại Anh sau Brexit; thông qua một điều khoản bổ sung cho phép chuyển một vụ việc lên Tòa án Tối cao để quyết định có áp dụng luật của EU đối với vụ việc đó hay không.

Đặc biệt, Thượng viện đã phản đối điều khoản bổ sung cho phép các tòa cấp thấp hơn được quyền bác bỏ những phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) sau Brexit.

Tuy nhiên, theo luật pháp Anh, các đề xuất của Thượng viện chỉ mang tính khuyến nghị chứ không bắt buộc đối với chính phủ.

Với việc đảng Bảo thủ chiếm đa số áp đảo tại Hạ viện, gần như chắc chắn những đề xuất của Thượng viện sẽ bị bác bỏ khi dự thảo thỏa thuận Brexit được chuyển trở lại Hạ viện trong tuần này, và lộ trình đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/1 tới của ông Johnson sẽ không bị ảnh hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục