"Vấn đề của Italy chính là ông Silvio Berlusconi"

Khi đa số người dân Italy đã coi ông Berlusconi là nguồn gốc khủng hoảng của nền kinh tế thì ra đi là việc bắt buộc phải đến.

Khi đa số người dân Italy đã coi ông Silvio Berlusconi là nguồn gốc tạo nên sự mất lòng tin và khủng hoảng của nền kinh tế thì ra đi là việc bắt buộc phải đến.

 

Nhà hàng vẫn đông, nhưng bạn thì không

 

Ở hội nghị G20 tại Cannes vài ngày trước, khi Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đưa ra phát ngôn “các nhà hàng ở Italy vẫn rất đông khách” như một lý lẽ chứng minh rằng khủng hoảng kinh tế ở đất nước ông chưa quá trầm trọng và vẫn đang trong tầm kiểm soát, rất ít người có thể cười, kể cả khi coi đó là một cách pha trò.

 

Thực tế thì với một vị Thủ tướng luôn nổi tiếng với những phát ngôn gây tranh cãi như ông Berlusconi, chưa chắc câu nói đó đã được ông xem là nói đùa để xoa dịu căng thẳng. Có thể ông thực sự nghĩ thế.

 

Nhưng bất kể là gì, cái ông đón nhận trở lại cũng chỉ là sự lạnh nhạt.

 

Ở Cannes, ông Berlusconi không có bất cứ cuộc gặp song phương nào với các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Người ta chỉ một lần nhìn thấy Tổng thống Mỹ Barack Obama vỗ vai Berlusconi khi đang trên đường đi đến thang máy ở khách sạn Carlton. Lần khác, vị Thủ tướng 75 tuổi của Italy được nhìn thấy đang cố mỉm cười khi cách đó vài bước chân là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đang trao đổi căng thẳng. Như thể ông cũng là một phần của cuộc hội thoại đó.

 

Giống như việc chỉ còn 22% người dân Italy ủng hộ ông, Silvio Berlusconi không còn cách nào để lấy lại sự tín nhiệm từ những người đồng cấp sau quá nhiều yếu kém của nền kinh tế mà ông điều hành.

 

Không còn những cái bắt tay tươi cười như mỗi lần ông mời những người bạn quyền lực đến nghỉ ngơi ở dinh thự Certosa của mình ở Sardinia, Berlusconi “bị phán xử nghiêm khắc như một học sinh yếu kém của Eurozone cần phải nhanh chóng đưa vào khuôn khổ” như bình luận của báo chí Pháp.

 

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định đặt Italy dưới sự giám sát còn EU thì tuyên bố sẽ theo dõi từng chi tiết một trong việc thực hiện những cải cách mà ông Berlusconi hứa hẹn.

 

“Níu kéo vô ích”

 

Những gì xảy ra cho thấy ông Berlusconi ngày càng trở nên cô độc, thậm chí rất ít người thân cận cũng không còn muốn dính dáng đến ông.

 

Ba thành viên đảng Nhân dân tự do (PPIL) của ông đã gói ghém đồ đạc bỏ chạy sang hàng ngũ của đối thủ đảng Trung dung Pier Ferdinando Casini. Sáu thành viên khác thì ký tên vào một bức thư yêu cầu ông rút lui để thành lập chính phủ mới. Khoảng 20 người khác thì tuyên bố đã sẵn sàng đứng ra thành lập một phong trào riêng.

 

Những người gần gũi nhất với Silvio Berlusconi thì chưa bỏ chạy nhưng kiên quyết khuyên ông buông tay. “Dù đúng hay sai, vấn đề của Italy chính là ông, Silvio” – Bộ trưởng Kinh tế Italy, Giulio Tremonti nói với Berlusconi ngay sau khi từ Cannes trở về. Hôm 6/11, đến lượt Roberto Maroni, Bộ trưởng Nội vụ và thành viên của Liên đoàn phương Bắc, lên tiếng: “Kết thúc rồi Silvio, níu kéo chỉ vô ích thôi.”

 

Những đối thủ chính trị thì không kiên nhẫn đến thế. Hôm thứ Bảy (5/11), 100.000 thành viên của Đảng Dân chủ Italy (PDI) đã biểu tình ở thủ đô Roma yêu cầu Berlusconi từ chức ngay lập tức.

 

Thời điểm Silvio Berlusconi buộc phải làm điều đó đang đến rất gần.

 

Theo báo chí Italy, Berlusconi không còn kiểm soát được quá 310 phiếu trên tổng số 630 phiếu ở Quốc hội. Ở thời điểm nhậm chức nhiệm kỳ thứ 3 năm 2008, Berlusconi luôn có 344 phiếu ủng hộ để vượt qua những cản trở ở cơ quan lập pháp tối cao này.

 

Những hứa hẹn cá nhân như bổ nhiệm chức vụ, những buổi tiệc tùng… từng giúp Berlusconi lôi kéo được những người có ý định chống đối, giờ tỏ ra vô hiệu. Denis Verdini, lãnh đạo của đảng PPIL, người luôn trợ giúp đắc lực cho Berlusconi trong việc khuất phục những lá phiếu khó bảo, lần này thừa nhận những người chống Berlusconi “vô cùng cứng rắn.”

 

Tổng thống Italy, Giorgio Napolitano ngày 8/11 đã tham khảo lãnh đạo các đảng phái chính trị để quyết định thành lập chính phủ mới. Dĩ nhiên không có Silvio Berlusconi.

 

Câu hỏi bây giờ là Silvio Berlusconi sẽ ra đi chính xác vào thời điểm nào?

 

Như thông cáo của Phủ Tổng thống Italy, ông Berlusconi sẽ từ chức sau khi bản cải cách mà chính phủ Italy hứa hẹn với Liên minh châu Âu, trong đó có Luật tài chính mới, được Quốc hội Italy thông qua. Thời điểm dự kiến là giữa tháng 11/2011.

 

Đó có thể cũng là lần cuối cùng ông Berlusconi đóng một vai trò quan trọng trên chính trường bởi như ông phát biểu trên tờ La Stampa ngày 9/11, nếu một cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn có diễn ra dự kiến vào tháng 2/2012, ông cũng sẽ không tham gia. Gương mặt của cánh Trung hữu sẽ lên thay Berlusconi là Angelino Alfano, cựu Bộ trưởng Tư pháp và là Tổng thư ký Đảng PPIL.

 

Có lẽ khi đó ông Berlusconi sẽ có nhiều thời gian hơn cho các mối quan tâm cá nhân của mình, như 3 cáo buộc trước tòa và những cuộc vui bunga-bunga đầy tai tiếng./.

Quang Nguyên/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục