Vì sao người dân Canada "lo sợ" Mỹ nhưng lại thiện cảm với NATO?

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy người dân Canada đang thay đổi cách nhìn đối với nước Mỹ, quốc gia láng giềng đồng minh thân cận nhất xưa nay.
Vì sao người dân Canada "lo sợ" Mỹ nhưng lại thiện cảm với NATO? ảnh 1Công nhân làm việc trong một xưởng mộc ở Ontario, Canada. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến do Bộ Quốc phòng Canada tiến hành, phần lớn người dân nước này hiện coi Mỹ là một mối đe dọa lớn nhưng họ lại dành cái nhìn khá thiện cảm cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong bài viết đăng trên trang Opencanada, giáo sư chuyên ngành các vấn đề quốc tế Roland Paris của trường Đại học Ottawa dẫn kết quả cuộc khảo sát do Nhóm Chiến lược Earnscliffe tiến hành từ tháng 2/2018 đến tháng 4/2018 cho thấy người dân Canada đang thay đổi cách nhìn về an ninh đối với Mỹ, quốc gia láng giềng duy nhất của Canada và luôn được coi là đồng minh thân cận nhất xưa nay.

Cuộc khảo sát nằm trong khuôn khổ chương trình thăm dò công luận thường kỳ do Bộ Quốc phòng Canada thực hiện để lấy ý kiến người dân về các vấn đề quốc phòng, đặc biệt sau khi cơ quan này công bố chính sách quốc phòng mới năm 2017 theo phương châm “Mạnh mẽ, An toàn, Can dự."

Cuộc thăm dò cho thấy một số điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, người dân Canada giờ đây coi Mỹ là mối đe dọa an ninh lớn thứ hai của nước này, sau khủng bố. Đây là một kết quả khá bất ngờ, nhất là khi Canada dường như không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa an ninh hiện hữu nào từ Mỹ trong một vài năm trở lại đây.

Tuy nhiên, theo phân tích của giáo sư Roland Paris, có thể những người trả lời thăm dò không đề cập đến vấn đề an ninh theo nghĩa trên mà thiên về tác động của chính quyền Donald Trump đối với các lợi ích của Canada, bao gồm cả về phát triển kinh tế.

Góc nhìn này có phần hợp lý vì cũng theo cuộc thăm dò, Tổng thống Trump được coi là mối đe dọa lớn thứ tư của Canada. Lo lắng về Mỹ ngày càng hiển hiện rõ trong suy nghĩ của người dân Canada nhất là sau khi Tổng thống Trump quyết định áp thuế nhập khẩu đối với nhôm thép của Canada và công kích mạnh mẽ Thủ tướng Trudeau ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh nhóm bảy nền công nghiệp lớn nhất thế giới (G7) ở Charlevoix, Quebec.

[Lãnh đạo Mỹ, Canada thảo luận về thương mại bên lề thượng đỉnh NATO]

Thứ hai, trái ngược với xu hướng lo sợ Mỹ, người Canada đang dành cái nhìn thiện cảm hơn cho NATO. Theo kết quả khảo sát, có tới 88% những người trả lời nói rằng việc là thành viên NATO có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh Canada. Thái độ ủng hộ NATO đã tồn tại lâu nay trong các chính đảng và xã hội Canada, nên đây không phải là điều ngạc nhiên.

Trên thực tế, nó chỉ phản ánh quan điểm về chủ nghĩa quốc tế tự do đã ăn sâu bám rễ trong quan niệm của người Canada. Điều khác biệt chỉ là quan điểm này đang đi ngược chiều với Mỹ tại thời điểm Tổng thống Trump liên tục đặt câu hỏi về giá trị của NATO và cử tri Cộng hòa dường như cũng ủng hộ cách tiếp cận của Tổng thống.

Thứ ba, người dân Canada nắm được ít thông tin quân sự hơn nhưng vẫn dành nhiều tình cảm cho quân đội. Gần 3/4 số người trả lời nói rằng họ không hề biết gì về những kế hoạch mới của Các lực lượng Vũ trang Canada (CAF), một phần do dư luận và truyền thông Canada không còn đề cập nhiều đến CAF như thời lực lượng này còn tham gia sứ mệnh chiến đấu ở Afghanistan. Tuy nhiên, thăm dò cho thấy người dân Canada vẫn dành nhiều tình cảm cho lực lượng này như trước đây.

Thứ tư, người dân Canada hầu như không biết nhiều về chính sách quốc phòng mới, dù đã được Bộ trưởng Quốc phòng Harjit Sajjan công bố từ cách đây gần hai năm. Đây là một minh chứng điển hình cho tình trạng bưng bít thông tin quốc phòng ở Canada hiện nay.

Theo kết quả thăm dò, chỉ có người dân ở thủ đô, nhất là những người làm việc trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và chính sách đối ngoại, mới biết về chính sách quốc phòng mới và kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng thêm 73%. Còn đối với phần lớn những người còn lại, đây hoàn toàn là thông tin xa lạ đối với họ.

Thứ năm, người dân Canada thận trọng với việc gửi quân tham gia sứ mệnh chiến đấu ở nước ngoài và chỉ ủng hộ các hoạt động hỗ trợ hòa bình. Phần lớn những người được hỏi cho rằng CAF chỉ nên cử quân tham gia các hoạt động phi chiến đấu như cứu trợ thiên tai, hay hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc và NATO. Mọi hoạt động liên quan đến chiến đấu đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình không đồng nghĩa với việc loại bỏ được hoàn toàn các yếu tố rủi ro. Trên thực tế, nhiều hoạt động hỗ trợ hòa bình hiện nay diễn ra trong môi trường rủi ro không kém các địa điểm chiến đấu.

Đơn cử Canada đang triển khai 250 binh sỹ cùng một số trang thiết bị cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Mali, một trong những nơi có tỷ lệ thương vong khá cao đối với lực lượng mũ nồi xanh của Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục