Việt Nam ở vị thế tốt hơn để vượt qua thách thức kinh tế và việc làm

Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động tại Việt Nam cần đoàn kết lại trong bối cảnh hơn 30 triệu người đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, tính đến cuối quý 2.
Quý 2 năm nay chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Quý 2 năm nay chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam kêu gọi những nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ, tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động để cứu việc làm và bảo vệ lao động dễ bị tổn thương, trong bối cảnh COVID-19 đang để lại những tác động tiêu cực tới lực lượng lao động Việt Nam.

Hơn 30,8 triệu người bị ảnh hưởng

Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý 2 vừa được công bố sáng nay 10/7 tại Hà Nội, tính đến hết tháng Sáu có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Điều tra lao động việc làm do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện với hỗ trợ kỹ thuật của ILO cho thấy lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục với 2,2 triệu so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tham gia thị trường lao động giảm sâu hơn ở khu vực nông thôn và trong lực lượng lao động nữ.

Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam nhận định: “Thị trường lao động trong quý 2 đã chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng. Tác động của các biện pháp cần thiết được áp dụng như giãn cách xã hội vẫn là không thể tránh khỏi. Mặt khác, lệnh phong tỏa ở các quốc gia khác cùng với việc đóng cửa biên giới trong quý 2 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế và việc làm của Việt Nam.”

Quý 2 năm nay cũng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua tại Việt Nam, ở mức 2,73%. Trong đó tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm lao động có trình độ thấp (sơ cấp).

Bà Barcucci phân tích: “Đại dịch đã làm suy giảm các hoạt động kinh tế tại một số lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, xuống mức chưa từng có. Chúng tôi nhận thấy rằng có những người lao động bị mất việc nhưng không tìm được việc mới, có lẽ là do không có nhiều cơ hội việc làm.”

Năm nay là lần đầu tiên trong 5 năm qua ghi nhận thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 2 giảm đi so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, người lao động phi chính thức bị giảm thu nhập nhiều hơn (8,4%) so với lao động chính thức (4,7%) so với cùng kỳ năm ngoái. Người lao động càng có bằng cấp, trình độ cao hơn thì càng bị giảm thu nhập ít hơn.

[ILO: Đại dịch COVID-19 làm mất đi 400 triệu việc làm trong quý 2]

“Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động đang phải gánh chịu những tác động kinh tế nặng nề nhất của đại dịch,” bà Barcucci cảnh báo.

Việt Nam ở vị thế tốt hơn để vượt qua thách thức kinh tế và việc làm ảnh 1Lao động phi chứng thức bị giảm thu nhập do COVID-19 nhiều hơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam ở vị thế tốt hơn

Giai đoạn giãn cách xã hội phòng ngừa đại dịch vào đầu quý 2 đã nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của COVID-19, từ đó giảm thiểu tác động tới thị trường nội địa. Điều này giúp tình hình tại Việt Nam tốt hơn so với những gì các quốc gia khác phải trải qua.

Giám đốc ILO Việt Nam tin tưởng rằng Việt Nam ở vị thế tốt hơn hầu hết các nước khác để vượt qua những thách thức về kinh tế và thị trường lao động, giống như Việt Nam đã thành công đối với cuộc khủng hoảng về y tế cộng đồng.

Theo tiến sỹ  Chang-Hee Lee, Việt Nam sẽ cần tiếp tục kiên định với các biện pháp kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; bảo vệ người lao động tại nơi làm việp; sử dụng đối thoại làm công cụ để chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động có thể tìm ra được giải pháp xử lý vấn đề.

“Bây giờ chính là lúc Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cùng nhau đoàn kết để xây dựng và thực hiện những chính sách và biện pháp dựa trên bằng chứng, để giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng này, để Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn cả giai đoạn tiền khủng hoảng. ILO luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn,” tiến sỹ  Chang-Hee Lee nhấn mạnh./.

Ở cấp độ toàn cầu, báo cáo nhanh mới nhất của ILO ước tính tổng số giờ làm việc trên thế giới đã giảm 14% trong quý 2 năm 2020, tương đương với 400 triệu lao động toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục