Vốn hóa thị trường của Toyota tăng gần gấp đôi dưới "triều đại" CEO Koji Sato

Vào ngày 1/3/2024, Toyota đã trở thành doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên có giá trị vốn hóa thị trường trên 60.000 tỷ yen (395 tỷ USD), gần gấp đôi so với mức vốn hóa tính đến cuối tháng 3/2023.

Logo hãng Toyota. (Ảnh minh họa: EPA/TTXVN)
Logo hãng Toyota. (Ảnh minh họa: EPA/TTXVN)

Hơn một năm kể từ khi ông Koji Sato đảm nhận vị trí Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Toyota Motor, hãng sản xuất ôtô lớn nhất Nhật Bản đã đạt được những đỉnh cao mới về định giá và thu nhập, song đồng thời cũng phải vật lộn với những vụ bê bối về kiểm soát chất lượng của các thành viên trong tập đoàn.

Vào ngày 1/3/2024, Toyota đã trở thành doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên có giá trị vốn hóa thị trường trên 60.000 tỷ yen (395 tỷ USD), gần gấp đôi so với mức vốn hóa tính đến cuối tháng 3/2023.

Như vậy, giá trị vốn hóa của Toyota đã tăng 10.000 tỷ yen trong khoảng ba tuần, khi các nhà đầu tư chú ý tới khả năng thu lời cao hơn của nhà sản xuất ôtô này. Giá trị thị trường của Toyota đã đánh bại kỷ lục của Nhật Bản do tập đoàn viễn thông NTT thiết lập trong kỷ nguyên bong bóng tài sản năm 1987.

Tesla, công ty dẫn đầu các nhà sản xuất ôtô thế giới về giá trị vốn hóa thị trường với mức 530,6 tỷ USD tính đến ngày 2/4 vừa qua, vẫn cao hơn khoảng 40% so với Toyota, có mức vốn hóa thị trường giảm xuống còn 59.000 tỷ yen tính đến ngày 3/4.

Nhưng nhà sản xuất ôtô Nhật Bản này đã đạt được những bước tiến đáng kể từ năm 2022, khi vốn hóa thị trường của Tesla gấp 4 lần Toyota.

Giá cổ phiếu của Toyota đã tăng 93% trong năm qua tính đến ngày 2/4, mức tăng lớn nhất trong số các nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới tính theo đồng yen. Giá cổ phiếu của Honda Motor tăng 53% trong cùng kỳ và Stellantis tăng 46%.

Trong khi đó, giá cổ phiếu của BYD- hãng dẫn đầu về xe điện Trung Quốc - giảm 12% và cổ phiếu của Tesla giảm 19%. Mức tăng giá cổ phiếu Toyota trong năm qua cũng vượt xa mức tăng trưởng 42% của chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản trong cùng kỳ.

Toyota đã dự báo mức lợi nhuận ròng kỷ lục 4.500 tỷ yen trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào ngày 31/3/2024), tăng 84% so với năm tài chính 2022. Kết quả tích cực này chủ yếu đến từ việc tập đoàn đã huy động thêm 550 tỷ yen vào tháng 2/2024 để đáp ứng sự phục hồi sản xuất từ đại dịch COVID-19, đồng yen yếu và việc tăng giá bán khi nâng cấp nhiều tính năng.

Điều này sẽ giúp Toyota đánh dấu mức lợi nhuận ròng lần đầu tiên vượt 4.000 tỷ yen và là mức cao nhất mọi thời đại sau hai năm. Những chiếc xe hybrid (xe lai chạy bằng cả xăng và điện) truyền thống của Toyota đang bán rất chạy.

Doanh số bán xe hybrid của Toyota đã tăng 31% trong năm tài chính 2023, lên 3,42 triệu chiếc. Thị phần toàn cầu của Toyota về xe hybrid đã tăng lên khoảng 60%, nhờ sự phổ biến của xe thể thao đa dụng RAV4 hybrid ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Trong khi doanh số bán xe điện đang giảm dần thì sự chú ý của người tiêu dùng lại chuyển sang các loại xe hybrid tiết kiệm nhiên liệu, giá cả phải chăng - một xu hướng đang mang lại lợi ích cho Toyota.

Nhà sản xuất ôtô này đã giảm giá thành của hệ thống hybrid xuống còn 1/6 so với giá của Prius đời 1997, chiếc xe hybrid được sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới.

Hiện nay, xe hybrid mang lại lợi nhuận cho hãng này nhiều hơn so với xe chạy bằng xăng. Tuy nhiên, Toyota cũng đang phải giải quyết những vụ bê bối về chất lượng tại các công ty con, khiến niềm tin vào tập đoàn này bị lung lay.

Các thông tin cho thấy Daihatsu Motor- công ty con của Toyota- gian lận thử nghiệm an toàn đã bị đưa ra ánh sáng vào tháng 12/2023, với 64 mẫu xe bị ảnh hưởng.

Ngoài những sai phạm được phát hiện hồi tháng 4 và 5 liên quan đến các thử nghiệm va chạm bên hông ôtô và các bộ phận cửa xe, kết quả điều tra còn phát hiện nhiều vấn đề bất thường mới ở 174 điểm trong 25 hạng mục thử nghiệm.

Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã ban hành lệnh điều chỉnh và thu hồi phê duyệt kiểu loại đối với một số mẫu xe. Toyota dự định điều chỉnh lại kế hoạch phát triển các loại xe mới và giới hạn mục tiêu sản xuất trong nước ở mức khoảng 14.000 xe mỗi ngày.

Sản lượng xe của hãng này đạt dưới 11.000 chiếc/ngày vào năm 2022 nhưng đã tăng lên 14.000 chiếc/ngày vào năm 2023. Toyota đã đạt gần đến mức tối đa công suất 15.000 chiếc vào một số ngày nhất định trong năm đó. Điều này đã gây căng thẳng cho các nhà máy của cả Toyota và các nhà cung cấp.

Ông Sato cho biết: “Chúng tôi sẽ áp dụng các khoảng thời gian tạm nghỉ để khối lượng công việc tạm thời được giảm bớt.”

Phần lớn kết quả hoạt động mạnh mẽ của Toyota gắn liền với các quyết định của Chủ tịch hội đồng quản trị Akio Toyoda, với tư cách là chủ tịch kiêm CEO tiền nhiệm của ông Sato.

Trong năm thứ hai dẫn dắt tập đoàn này, ông Sato sẽ phải đối mặt với những thách thức về cải cách quản trị và mô hình chuyển đổi sang xe điện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục