Vụ phá rừng tại Bình Định: Có biểu hiện xử lý nhùng nhằng, né tránh

Mặc dù có chỉ đạo cách chức ngay Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão, nhưng Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định đã bỏ qua chỉ đạo này vì lý do, thời điểm phá rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão đi học.
Vụ phá rừng tại Bình Định: Có biểu hiện xử lý nhùng nhằng, né tránh ảnh 1Công an tỉnh Bình Định kiểm tra hiện trường vụ phá gần 61ha rừng. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Liên quan đến vụ tàn phá gần 61ha rừng tự nhiên tại xã An Hưng, huyện miền núi An Lão (Bình Định), dù đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Chi cục Kiểm lâm Bình Định vẫn "nhùng nhằng" trong việc xử lý trách nhiệm, một số người có trách nhiệm vẫn cố tình né tránh.

“Lùi” thời điểm phá rừng

Theo các báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định, Chi cục Kiểm lâm Bình Định, vụ phá hoàn toàn gần 61ha rừng tự nhiên, tại khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng, huyện An Lão (Bình Định), được thực hiện từ ngày 4-31/8. Tuy nhiên, tại hiện trường, rừng và cây rừng đã được đốt dọn để làm sạch thực bì. Hơn 7ha rừng sau khi bị phá đã được trồng keo lai. Ngang nhiên hơn, các đối tượng phá rừng đã sử dụng phương tiện cơ giới mở 500m đường vào địa điểm phá rừng và thời điểm bắt đầu phát hiện rừng bị phá theo báo cáo là từ ngày 7/9.

Tuy nhiên, theo kỹ thuật lâm sinh, hàng loạt cây rừng vừa bị chặt hạ không thể được đốt để lấy đất trồng keo lai nếu cây rừng chưa đủ thời gian để khô. Để đốt được cây rừng như hiện trường và trồng keo lai xuống, thời gian phá rừng phải kéo dài từ 3-4 tháng, chứ không thể trong vòng một tháng như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm Bình Định báo cáo.

Trước khi phát hiện ra vụ phá rừng này, Ủy ban Nhân dân huyện An Lão đã tổ chức đợt truy quét nạn phá rừng trên địa bàn. Đợt truy quét kéo dài suốt một tháng (từ ngày 23/6-23/7/2017), trong đó lực lượng kiểm lâm làm nòng cốt.

Theo kế hoạch số 39/KH-UBND vào ngày 22/6/2017 của Ủy ban Nhân dân huyện An Lão: “Thời gian gần đây, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và mở đường để khai thác gỗ trái phép ở vùng giáp ranh giữa huyện Hoài Nhơn và huyện An Lão đang diễn biến có chiều hướng gia tăng; đặc biệt là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất (xâm canh) để lấy đất trồng rừng nguyên liệu và khai thác gỗ trái phép tại các Tiểu khu 1, 6, 15 xã An Hưng, huyện An Lão giáp ranh với xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn; theo thông tin ban đầu, toàn bộ tang vật đều được đưa về Hoài Nhơn.

Khi phát hiện lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, các đối tượng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép thường không có mặt tại hiện trường; các đối tượng vận chuyển lâm sản thường xuyên liên lạc với nhau, tập trung đông người và có nhiều hành vi cản trở; đồng thời, tẩu tán tang vật, phương tiện vi phạm.

Để ngăn chặn kịp thời tình trạng trên và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện, đặc biệt là tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép tại các Tiểu khu giáp ranh giữa xã An Hưng (huyện An Lão) và xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn), Ủy ban Nhân dân huyện An Lão ban hành kế hoạch chốt chặn, kiểm tra, truy quét rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại các Tiểu khu 1, 6, 15 xã An Hưng…"

[Vụ phá rừng tại Bình Định: Yêu cầu đình chỉ công tác cán bộ kiểm lâm]

Như vậy, kế hoạch của huyện An Lão được thực hiện trên cơ sở thực tế tình trạng phá rừng đang gia tăng và có cả hiện tượng các đối tượng phá rừng tự làm đường để phá rừng tập trung. Hiện tại, ngoài tuyến đường dài khoảng 500m mà các đối tượng phá rừng mở vào tiểu khu 1 thì trên địa bàn huyện An Lão không phát hiện thêm tuyến đường nào khác tương tự. Dễ nhận thấy, việc các đối tượng phá rừng mở đường phá rừng ở khoảnh 7, khoảnh 8, Tiểu khu 1 thì lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng đã biết từ tháng Sáu.

Thế nhưng, trong các cuộc họp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão Đoàn Văn Tá luôn cho rằng không hề có thông tin về vụ phá rừng tập trung trước ngày 7/8. Còn theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định Phan Trọng Hổ, thời gian các đối tượng phá rừng là từ ngày 4-31/8. Cụ thể hơn, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định, thời điểm đầu tiên phát hiện rừng bị phá là vào đúng ngày ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão đi học lớp Kiểm lâm viên chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 7/8/2017.

Ông Đoàn Văn Tá báo cáo với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định rằng lực lượng kiểm lâm huyện An Lão đã thực hiện tốt kế hoạch 39/KH-Ủy ban Nhân dân ngày 22/6/2017 của Ủy ban Nhân dân huyện An Lão, nhưng chỉ lỡ… bỏ sót đúng khoảnh 7, khoảnh 8 của Tiểu khu 1, nơi phá rừng tập trung, các đối tượng phá rừng làm đường để phá rừng.

Trong khi đó, mới đây, hai đối tượng bị Công an tỉnh Bình Định khởi tố bị can, tạm giam bốn tháng để phục vụ điều tra vụ hủy hoại rừng này đều đã khai nhận thuê người phá rừng từ tháng Sáu.

"Nhùng nhằng" xử lý

Sau khi phát hiện vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã đi kiểm tra thực địa và trực tiếp chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định Phan Trọng Hổ cách chức ngay Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão. Thế nhưng ông Phan Trọng Hổ đã bỏ qua chỉ đạo này vì lý do, thời điểm phá rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão đi học, thời gian đi học từ ngày 7-17/8.

Sau đó, cũng dựa trên báo cáo thời gian Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão đi học , Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định Phan Trọng Hổ và Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định Nguyễn Thế Dũng tạm đình chỉ công tác đối với Phó hạt trưởng và kiểm lâm viên địa bàn huyện An Lão. Chỉ đạo này đã được thực hiện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định tiếp tục tổ chức họp xét trách nhiệm các cá nhân liên quan đến vụ phá rừng này. Hiện chưa có thông tin chính thức về các hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, dư luận tại địa phương đã "lo xa" khả năng bao che của cấp có thẩm quyền đối với cán bộ có sai phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục