Đầu tư cho tương lai

“Xây dựng gia đình trẻ là đầu tư cho tương lai”

Mỗi cá nhân phải làm chủ được bản thân thì mới có thể làm chủ được gia đình, làm cho gia đình trở thành tế bào có ích của xã hội.
Chiều 28/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức tọa đàm “Vai trò của người trẻ trong việc xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.”

Nhiều vấn đề cơ bản của đời sống gia đình trẻ như: vấn đề ứng xử với nhau giữa các cặp vợ chồng, vấn đề kinh tế gia đình, vấn đề nuôi dạy con trẻ, mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu… đã được đưa ra bàn luận sôi nổi tại buổi tọa đàm.

Gia đình trẻ là tương lai của gia đình Việt

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam đã có những thay đổi nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại. Gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, chuyên gia tâm lý học Nguyễn Đức Thạc, Hội Tâm lý học Việt Nam, cho biết: “Nói đến gia đình là nói đến tính liên tục của nó, nhưng nói đến tương lai gia đình Việt Nam thì phải nói đến gia đình trẻ.”

“Chính vì vậy, cả xã hội phải có trách nhiệm chăm lo, xây dựng các gia đình trẻ. Đầu tư xây dựng các gia đình trẻ, giáo dục lớp trẻ ý thức xây dựng gia đình chính là đầu tư cho tương lai, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước,” ông Thạc nhấn mạnh.

Theo ông, định hướng cơ bản từ ngàn đời nay về lập thân-lập nghiệp-lập gia đình vẫn luôn đúng. Mỗi cá nhân đầu tiên phải tự đứng vững trên đôi chân của mình, làm chủ được bản thân thì mới có thể làm chủ được gia đình, làm cho gia đình trở thành một tế bào có ích của xã hội.

“Để làm được những điều đó, trước tiên, mỗi người trẻ phải có một vốn liếng nhất định trước khi bước vào cuộc sống gia đình. Đây là yêu cầu thực tế cần phải bàn luận một cách nghiêm túc; bởi nhìn vào thực tế sẽ thấy, nhiều bạn trẻ hiện nay không dám lập gia đình vì không có vốn liếng riêng,” ông Thạc chia sẻ.

Từ đó, một vấn đề khác được các chuyên gia tâm lý đặt ra là vấn đề gia đạo, triết lý xây dựng gia đình hiện nay. Nhiều ý kiến đưa ra bày tỏ mối quan ngại về thiếu sót cơ bản hiện nay: quan hệ gia đình lỏng lẻo, văn hóa gia đình không ổn định.

“Xây dựng gia đình là một trong những việc lớn nhất của đời người; từ đó, góp phần củng cố mối quan hệ cố kết cộng đồng truyền thống của người Việt:nhà-làng-nước,” chuyên gia Nguyễn Đức Thạc nói.

Tuy nhiên, hiện nay, không ít người trẻ bị cuốn theo công việc và những hưởng thụ vật chất khác khi đời sống được nâng cao, đã khiến mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo.

Theo bà Trần Thanh, chuyên gia về giới, Hội Liên hiệp phụ nữ Trung ương: Thực tế, nhiều bạn trẻ coi việc lập gia đình như một cuộc chơi và không hề có sự chuẩn bị chu đáo về các kiến thức, kỹ năng cơ bản trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Từ đó, dẫn đến hiện tượng ngày càng gia tăng số lượng các vụ ly hôn ở các gia đình trẻ.

Quan trọng nhất là sự cảm thông, chia sẻ

Từ sự gợi mở của các chuyên gia, hàng loạt ý kiến về các vấn đề xung quanh việc xây dựng gia đình trẻ theo mô hình gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc được chính các bạn trẻ, những người đã và đang chuẩn bị bước vào cuộc sống gia đình riêng, trao đổi cởi mở.

Xoay quanh các vấn đề cơ bản như: vấn đề ứng xử với nhau giữa các cặp vợ chồng, vấn đề kinh tế gia đình, vấn đề nuôi dạy con trẻ, mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu,… các ý kiến trao đổi đều tập trung nhấn mạnh vai trò của sự cảm thông, chia sẻ trong đời sống gia đình trẻ, coi đó là chìa khóa, nền tảng cơ bản nhất để giải quyết các mâu thuẫn khác.

Theo chị Trần Phương Hà, cán bộ Học viện Ngân hàng, khách mời của chương trình, đa số các vấn đề đó đều là những vấn đề thường gặp trong thực tế cuộc sống gia đình; nó dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột. “Vấn đề quan trọng là cách vượt qua những trở ngại đó như thế nào,” chị Hà chia sẻ.

Từ thực tế cuộc sống gia đình mình, chị nói đến sự khác biệt giữa khi yêu và khi lập gia đình. Trước khi kết hôn, anh chị đã có một thời gian dài là bạn (từ khi còn học cấp hai) và nhiều người tin rằng, họ đã rất hiểu nhau. Tuy vậy, sau khi kết hôn, vẫn rất nhiều mâu thuẫn xảy ra do có những nhược điểm của bạn đời mà trước đó mình chưa hề biết.

“Ban đầu, mình cũng cảm thấy 'sốc' nhưng sau đó trấn tĩnh lại, mình hiểu rằng cần phải biết chấp nhận và tìm cách dung hòa bởi không có ai là hoàn hảo. Biết chấp nhận thực tế và có sự chuẩn bị tốt về tâm lý trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân vẫn luôn là yêu cầu quan trọng để có cuộc sống gia đình hạnh phúc,” chị vui vẻ nói.

Đồng quan điểm với chị Hà, chị Nguyễn Thị Minh Nhàn, giảng viên Đại học Giao thông Vận tải, cũng rất đề cao sự cảm thông, chia sẻ trong đời sống gia đình. “Cố gắng tạo ra sự đối thoại, kể cho nhau những câu chuyện về những vấn đề thường nhật của cuộc sống như công việc, bạn bè, giáo dục con cái,… luôn là cách tốt nhất để hai vợ chồng hiểu nhau và cùng giúp nhau vượt qua sự khó khăn trong cuộc sống,” chị chia sẻ.

Đến với buổi tọa đàm, gia đình chị Nguyễn Thị Thùy, giáo viên trường Trung học cơ sở Mai Dịch, chia sẻ câu chuyện thú vị về việc, nhờ sự chia sẻ, cảm thông, chị đã hóa giải được mối xung đột mẹ chồng-nàng dâu và hàn gắn lại mối quan hệ giữa mẹ chồng và chồng chị.

“Tôi vốn là cô gái vùng cao và đó là lý do mẹ chồng tôi không chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi. Từ đó, nhiều mâu thuẫn trong gia đình nhà chồng nảy sinh, trong đó, sâu sắc nhất là xung đột giữa mẹ chồng tôi và chồng tôi khi bà tuyên bố từ bỏ mối quan hệ mẹ-con với anh.

Sau nhiều năm cố gắng lắng nghe, thấu hiểu tâm tư của mọi người để tìm cách hóa giải mâu thuẫn, giờ đây gia đình tôi đã hoàn toàn yên ấm, vui vẻ, mọi nghi kỵ hoàn toàn được xóa bỏ,” chị xúc động nói.
 
Tuy chưa bước vào thực tế cuộc sống gia đình riêng, nhưng nhiều bạn trẻ tham dự tọa đàm cũng có sự ý thức rất rõ về sức mạnh của sự chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau. Bạn Thế Hiển, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải, cho biết: “Trong gia đình, bố mẹ luôn cố gắng tạo ra không gian đối thoại giữa cha mẹ và con cái để mọi người hiểu nhau, phân tích, định hướng cho con cái những suy nghĩ đúng, tránh những hiểu lầm dẫn đến vấn đề bạo lực gia đình đang rất nhức nhối hiện nay./.”

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục