Xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long lên tầm cao mới

Trong 3 năm qua, khi sáp nhập huyện Hoành Bồ, mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hạ Long luôn duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao so với bình quân của tỉnh và cả nước.

Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Tối 31/12, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng nhất của Chủ tịch nước trao tặng nhân kỷ niệm 30 năm thành lập thành phố (27/12/1993 - 27/12/2023).

Dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Thành phố Hạ Long được thành lập năm 1993 (theo Nghị định số 102-CP ngày 27/12/1993 của Chính phủ) trên cơ sở địa giới hành chính của thị xã Hồng Gai. Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14, trong đó sáp nhập toàn bộ huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển cho thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cùng với những thuận lợi, khó khăn thách thức, thành phố Hạ Long đã luôn quyết tâm, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, phát huy tinh thần “kỷ luật đồng tâm” của vùng đất Mỏ, nỗ lực vượt khó vươn lên với những bước phát triển ngoạn mục hơn 3 thập niên qua.

Thành phố Hạ Long sở hữu nhiều tài nguyên và tiềm năng, lợi thế nổi trội nhất là công nghiệp khai thác chế biến than, thủy sản. Đặc biệt năm 1994, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, mở ra cơ hội phát triển ngành du lịch, dịch vụ của Thành phố.

Trong 3 năm qua, khi sáp nhập huyện Hoành Bồ, mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hạ Long luôn duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao so với bình quân của tỉnh và cả nước, trong đó có nhiều năm liên tiếp tăng trưởng hai con số.

Mỗi năm đóng góp gần 50% tổng thu của tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14.000 USD, tăng gần 14 lần so với thời điểm thành lập thành phố cách đây 30 năm.

Đặc biệt từ năm 2003 đến nay, quy mô nền kinh tế tăng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 14%; thu hút tổng vốn đầu tư toàn xã hội 10 năm gần đây đạt trên 423 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách tăng bình quân hàng năm trên 15%, đóng góp gần 50% tổng thu của tỉnh; tỷ trọng chi đầu tư phát triển luôn đạt trên 57% trong tổng chi ngân sách; hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ hiện đại, tạo kết nối liên thông tổng thể; nhiều công trình, dự án trọng điểm mang tính điểm nhấn.

Mức sống và chất lượng đời sống của nhân dân được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14 nghìn USD, gấp 10 lần so với năm 2003 và gấp 3 lần bình quân chung của cả nước; thành phố không còn hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi.

Chúc mừng, biểu dương những thành tựu quan trọng của thành phố Hạ Long, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định Quảng Ninh được coi là một vùng đất đặc biệt của Việt Nam, không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước, mà còn là cửa ngõ giao lưu giữa nước ta với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển đó đều có dấu ấn, sự đóng góp to lớn của quân và dân thành phố Hạ Long.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị thành phố Hạ Long tiếp tục chung sức, đồng lòng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, biến thách thức thành cơ hội, chuyển khó khăn thành ý chí và quyết tâm hành động, vận dụng sáng tạo tư duy phát triển theo phương châm “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương.”

Thành phố thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng; hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phát huy dân chủ, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, thành phố tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; lãnh đạo toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm.

Hạ Long phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ưu tiên thu hút công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường.

Thành phố tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển kinh tế biển để tạo động lực tăng trưởng mới. Phát triển nhiều doanh nghiệp mạnh trong khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng các thương hiệu sản phẩm của thành phố, tạo sự liên kết hiệu quả giữa các thành phần kinh tế.

Thành phố Hạ Long tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng.

Tuân thủ việc tổ chức thực hiện Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định rõ tính chất đô thị của thành phố, hình thái tổ chức không gian lãnh thổ mà tỉnh Quảng Ninh đã xác định là “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực,” cùng nhiều các giải pháp đồng bộ trong các khâu đột phá chiến lược đã được xác định.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các tỉnh bạn tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ thành phố Hạ Long thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu xây dựng thành phố Hạ Long phát triển lên một tầm cao mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục