Xét xử vụ án AIC: Thời gian điều tra vụ án đúng luật định

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định việc Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành và kết thúc điều tra vụ AIC trong thời gian 6 tháng kể từ ngày khởi tố là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
Xét xử vụ án AIC: Thời gian điều tra vụ án đúng luật định ảnh 1Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 22/12, tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ (viết tắt là Công ty AIC) và 35 bị cáo vi phạm quy định về đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã tiến hành xét hỏi các bị cáo.

Tại phiên tòa, công tố viên khẳng định: “Thời gian tiến hành điều tra vụ án AIC là đúng luật định."

Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) liên tục cho rằng việc tiến hành điều tra vụ án diễn ra nhanh nên bị cáo không có thời gian để nhớ lại những sự việc đã xảy ra trước đó khiến cho có những việc bị cáo nhớ, có việc bị cáo quên.

Trước ý kiến này của bị cáo Nga, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã khẳng định theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, thời hạn điều tra đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng là không quá 4 tháng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan tiến hành tố tụng có thể gia hạn thời hạn điều tra.

Do vậy, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra và kết thúc điều tra trong thời gian 6 tháng kể từ ngày khởi tố là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Thời gian tiến hành điều tra trong 6 tháng không phải là yếu tố đánh giá công tác điều tra nhanh hay chậm mà là việc cơ quan điều tra đã thu thập đủ chứng cứ để kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo, không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của các bị can, bị cáo trong vụ án.

Trong phiên xử chiều 22/12, bị cáo Lưu Văn Phương (nguyên nhân viên Công ty AIC) tiếp tục cho rằng bị cáo bị oan. Trong gói thầu số 07, bị cáo Phương chỉ làm hồ sơ đấu thầu lần 1, nhưng sau đó hồ sơ này không trúng thầu.

Tới lần thứ 2, khi chủ đầu tư hạ tiêu chí đấu thầu, AIC tham gia dự thầu mới trúng thầu. Trong lần thứ 2 đó, bị cáo Phương cho rằng bị cáo không làm Hồ sơ dự thầu vì khi đó bị cáo đang đi công tác Vũng Tàu 6 tháng.

[Xét xử vụ AIC: Nguyên lãnh đạo Đồng Nai thừa nhận hành vi nhận hối lộ]

Tuy nhiên, trước đó, bị cáo Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm hồ sơ-Ban Quản lý Dự án 1 Công ty AIC) khai việc lập Hồ sơ dự thầu gói số 07 là do bị cáo Phương làm cả 2 lần. Về nội dung này, bị cáo Phương cho rằng bị cáo Tuân đã vu khống cho mình.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, thực hiện chỉ đạo của Hoàng Thị Thúy Nga, Lưu Văn Phương liên hệ với Nguyễn Huy Mạnh - nhân viên Công ty TNT, đồng thời đại diện cho hãng Drager, lấy cấu hình, thông số kỹ thuật, catalogue và báo giá của các thiết bị dự kiến để lập Hồ sơ dự thầu gói thầu số 07.

Xét xử vụ án AIC: Thời gian điều tra vụ án đúng luật định ảnh 2Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bị cáo Phương tính toán “giá đầu ra” cho các thiết bị của gói thầu trên cơ sở lấy “giá đầu vào” do Công ty TNT cung cấp nhân với 30% và xây dựng báo giá để chuyển cho đơn vị tư vấn thẩm định giá làm căn cứ xác định giá của gói thầu trong Chứng thư thẩm định giá.

Sau đó, Công ty AIC trúng thầu Gói số 07 theo mức giá do Phương đưa ra, gây thiệt hại hơn 8,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Lưu Văn Phương còn liên hệ với nhà thầu tư vấn thiết kế điều chỉnh thiết kế Hệ thống khí y tế để chuyển cho chủ đầu tư phê duyệt, đồng thời là người được giao giám sát thi công xây lắp, nghiệm thu gói thầu số 07 do Công ty TNT trực tiếp xây lắp.

Sáng 23/12, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục