Xóa bỏ rào cản và sự phân biệt đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để đóng góp vào nỗ lực đạt được mục tiêu quốc gia về kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Xóa bỏ rào cản và sự phân biệt đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ảnh 1Tư vấn bệnh HIV/AIDS tại Trung tâm y tế. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Hiện nay việc phòng ngừa và điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV) là an toàn và hiệu quả… Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để đóng góp vào nỗ lực đạt được mục tiêu quốc gia về kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Thông tin trên được dại diện Cục Phòng, Chống HIV/AIDS đưa ra trong buổi lễ khởi động chiến dịch về dự phòng HIV tại Việt Nam với chủ đề “Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì,” diễn ra ngày 17/11.

Xóa bỏ rào cản về tình trạng HIV  

Theo thống kê của Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 212.000 người có HIV, trong đó số trường hợp mắc mới trong 10 tháng đầu năm là gần 11.000 trường hợp. Số trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS là hơn 108.000 trường hợp. Đáng lưu ý, sau nhiều năm, số trường hợp mắc mới HIV đã giảm, thì trong 2 năm gần đây đang có xu hướng gia tăng trở lại.

[Sáu đối tượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV]

Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS cho hay Chiến dịch “Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì” quảng bá các biện pháp dự phòng HIV mới nhất, sự hiệu quả trong việc áp dụng các phương pháp mới nhất hiện nay trong sử dụng các thuốc kháng virus để dự phòng HIV. Hiện nay, việc phòng ngừa và điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV) là an toàn và hiệu quả hơn bao giờ hết. Vì vậy, mọi người có nhu cầu cần tiếp cận dịch vụ này càng sớm càng tốt để được tư vấn và nhận dịch vụ.

Chiến dịch sẽ được triển khai từ ngày 17/11 đến ngày 15/12/2021 cùng với các hoạt động khác nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2021. Chiến dịch sẽ tạo ra những đóng góp vào nỗ lực đạt được mục tiêu quốc gia về kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Xóa bỏ rào cản và sự phân biệt đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ảnh 2

Tiến sỹ Eric Dziuban - Giám đốc của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho hay quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu trong sự hợp tác về y tế những năm qua. Việt Nam đang dẫn đầu khu vực trong chiến lược y tế công cộng phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là thành công trong chiến lược K=K.

“Giờ đây chúng ta có các phác đồ điều trị an toàn có thể dự phòng lây truyền HIV. Đối với những người không có H, đó là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Đối với người có H, đó là K=K. Thông qua việc sử dụng các thuốc ARV, thế giới của chúng ta sẽ là nơi mà tình trạng HIV không còn là vấn đề nữa,” tiến sỹ Eric Dziuban nhấn mạnh.

Lan tỏa mạnh mẽ thông điệp

Theo Giám đốc của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chiến dịch “Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì” nhấn mạnh các thành tựu này và mở ra một xu hướng mới để nghĩ và nói về HIV, khi các vấn đề trở nên đơn giản là dùng thuốc hoặc trong tương lai gần, là được tiêm thuốc để bảo vệ sức khỏe của mọi người. Dự phòng HIV có thể thực hiện rất dễ nếu như chúng ta muốn… Đây là một thông điệp mạnh mẽ đầy hy vọng và cần được lan tỏa.

Bác sỹ Todd Pollack - Giám đốc Tổ chức Hợp tác Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN), Phó giáo sư Đại học Y Harvard cho hay: “Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tình trạng HIV, dù là âm tính hay dương tính, không còn là vấn đề trong các mối quan hệ, tình yêu và sức khỏe - đây là thông điệp chính mà chiến dịch muốn truyền tải.”

Thông điệp của chiến dịch sẽ được quảng bá rộng rãi đến cộng đồng thông qua các nền tảng đa dạng, và mỗi cá nhân có thể tiếp cận thông tin qua công cụ trò chuyện riêng tư. Những thông tin từ chiến dịch này sẽ có ích cho những người đang sống với HIV hoặc có nguy cơ lây nhiễm tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây ra những thử thách trong việc tiếp cận đến các dịch vụ y tế.

Theo Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh, chiến dịch giúp thúc đẩy nhận thức của người dân nói chung và nhóm người trẻ có hành vi nguy cơ cao rằng với những loại thuốc an toàn và hiệu quả trong dự phòng lây truyền HIV, không có lý do gì để e ngại khi biết về tình trạng HIV của một ai đó.

Với mỗi người, việc biết được tình trạng HIV của bản thân có thể tạo điều kiện, động lực cho mọi người bắt đầu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) nếu họ có HIV âm tính hoặc điều trị kháng virus (ARV) nếu họ có HIV dương tính. Bởi một người có H điều trị bắng ARV khi đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (nói cách khác, không phát hiện được virus trong cơ thể người đó) sẽ không làm lây truyền virus HIV sang cho bạn tình của họ. Đây chính là nội dung thông điệp “ Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K).

Chiến dịch bao gồm các hoạt động truyền thông xã hội, một triễn lãm nghệ thuật có tựa đề “Bảo tàng tan vỡ”, video âm nhạc chủ đề “Yêu mới khó” - một sản phẩm âm nhạc hợp tác cùng rapper Kimmese - để những người đang sống và chịu ảnh hưởng của HIV được chia sẻ tiếng nói của mình; và trang web của chiến dịch “yeumoikho.com”…

Chiến dịch do Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (VAAC) - Bộ Y tế cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC US) và Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS (PEPFAR) và Tổ chức Hợp tác phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) cũng như một số các đối tác khác tổ chức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục