Xóm chuồn chuồn tre

Xóm chuồn chuồn tre dưới chân núi Câu Lậu

Những chú chuồn chuồn tre giản dị từ ngôi làng ở chân núi Câu Lâu đã nhanh chóng hấp dẫn trẻ em tại nhiều nơi trong, ngoài nước.
Với đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo tinh tế, những người nông dân - thợ thủ công ở xóm Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã làm nên những chú chuồn chuồn bằng tre giản dị mà vẫn hấp dẫn.

Đây là một trong những món đồ chơi dân gian mấy năm gần đây đã được trẻ thơ ở nhiều nơi trong và ngoài nước ưa thích.

Trong gian nhà nhỏ ở ngay dưới chân núi Câu Lậu có ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng, Nguyễn Thị Minh (30 tuổi), một thợ làm chuồn chuồn tre đã từng được mời tham gia một số hội thảo, triển lãm về đồ chơi dân gian cho biết nghề làm chuồn chuồn tre ở Tây Phương đã có từ hàng chục năm nay và ngày càng phát triển. Hiện giờ những chú chuồn chuồn tre “made in Tây Phương” đã có mặt ở rất nhiều cửa hàng bán đồ chơi trong và ngoài nước, tại những triển lãm, hội chợ đồ chơi dân gian.

Với giá thành rất khiêm tốn, chỉ 2.000-4.000 đồng/con loại nhỏ, mỗi ngày, mỗi người thợ lành nghề ở Tây Phương cũng có thể thu được khoảng 200.000 đồng. ”Nếu khéo tay và thạo nghề, mỗi ngày mỗi người chúng em có thể làm được trên 100 con và làm đến đâu là tiêu thụ hết đến đó vì hình như càng ngày càng có nhiều phụ huynh muốn hướng cho con em mình tìm đến những đồ chơi dân gian,” Minh hào hứng chia sẻ.

Ngắm nhìn những chú chuồn chuồn tre nhỏ xinh, có miệng, có cánh, được trang trí sặc sỡ, lấp lánh được xếp san sát trong góc ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Minh, ít ai có thể ngờ rằng chúng được làm nên chỉ từ những thân tre bánh tẻ - một loài cây rất đỗi quen thuộc và gần gũi với mỗi người dân Việt Nam.

Từ những thân tre “bánh tẻ,” người thợ sẽ đem về cạo vỏ, cưa, pha thành từng mảnh nhỏ rồi phơi khô khoảng 4-5 nắng cho mảnh tre se lại, chắc chắn mới bắt đầu tiến hành vót, mài trơn nhẵn, lắp, khoan lỗ để tra cánh và trang trí.

Bí quyết để có được một chú chuồn chuồn đẹp, đứng, đậu được, và đặc biệt là trông không bị”cứng đơ,” theo Minh, ngay từ khâu chọn tre đã phải chú ý chọn loại tre có đốt dài, không già cũng không non để có độ dẻo và ít bị mối mọt.

Khó nhất trong quá trình tạo hình chuồn chuồn chính là vót đuôi và bẻ cho phần đầu chuồn chuồn hơi cong để sao khi đặt xuống mặt phẳng, trông chú chuồn chuồn bé xinh như đang đậu xuống rất ngộ nghĩnh.

Chị Nguyễn Thị Xoan, một người ở xóm Tây Phương vài năm gần đây cũng ”phất” lên nhờ…chuồn chuồn tre còn cho biết thêm để chú chuồn chuồn đậu thật cân bằng, không bị nghiêng bên nọ, vẹo bên kia, người thợ phải tính toán và có sự cân chỉnh từng milimét chiều dài, chiều rộng của thân, cánh.

Để chú chuồn chuồn được đẹp, hấp dẫn, người thợ làng nghề sẽ vẽ các họa tiết trang trí lên thân, cánh của chuồn chuồn, chờ cho khô rồi mới xếp gọn lại, mang đi bán hoặc giao cho khách hàng đã đặt sẵn theo hợp đồng.

Theo Ủy ban Nhân dân xã Thạch Xá, bên cạnh nghề làm chè lam nổi tiếng, từ nhiều năm nay, nghề làm chuồn chuồn tre đã thực sự mang lại cho người dân xóm Tây Phương nguồn thu nhập đáng kể.

Mấy năm gần đây, ngoài việc bán ở các chợ đêm, khu du lịch, triển lãm, hội chợ khắp mọi miền đất nước, chuồn chuồn tre Tây Phương còn có mặt ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… do khách du lịch ưa thích và mua về với số lượng lớn./.

Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục