Tặng ánh sáng người mù

Xóm đạo hiến tặng “ánh sáng” cho người mù

Kim Sơn, xứ đạo thuộc tỉnh Ninh Bình hơn một năm nay nức tiếng với nghĩa cử hiến tặng giác mạc cho những người khiếm thị.
Kim Sơn, xứ đạo bình yên nép mình bên cồn đê lấn biển thuộc tỉnh Ninh Bình từ hơn một năm nay nức tiếng là “con đường ánh sáng” cho người khiếm thị vì làm nên cú hat–trick hiến tặng giác mạc.

Khởi nguồn năm 2007, sự kiện cụ Nguyễn Thị Hoa trở thành người Việt Nam đầu tiên hiến tặng giác mạc. Bốn tháng sau, cụ Phạm Thị Nhẫn 93 tuổi ghi tiếp “kỷ lục” là người hiến tặng nhiều tuổi nhất. Đến nay, số người ở Kim Sơn hiến tặng giác mạc thành công đã lên tới 40/42 của cả nước.

Hành trình của "đội quân xin mắt"


Về đến gần xứ đạo Kim Sơn, phía hai bên đường thấp thoáng những mái nhà lợp rạ cũ kỹ, dậy mùi ẩm mốc sau cơn mưa gợi lên bầu không khí mộc mạc của vùng quê còn nghèo khó và ít người biết đến.

Cho đến ngày cả nước phải dõi theo khi Kim Sơn có đến 40 người hiến tặng giác mạc ủng hộ Thông điệp của Ngân hàng Mắt và Orbis (Tổ chức quốc tế về chống mù lòa): “Một người hiến tặng giác mạc sẽ đem lại ánh sáng cho hai người mù”, “Như một ngọn nến sắp lụi tàn lại thắp sáng lên hai ngọn nến khác”.

Ông Phạm Ngọc Sinh, Hội trưởng Hội chữ thập đỏ huyện Kim Sơn phấn khởi nói: “Chỉ trong hơn một năm, số người hiến giác mạc chiếm hơn 90% cả nước. Đội quân tuyên truyền thuộc Hội chữ thập đỏ của huyện ban đầu chỉ lác đác nay tăng lên 400 người và có 315 người trong số đó đã đăng ký hiến tặng giác mạc.”

Những ngày đầu, anh em làm công tác tuyên truyền đều ái ngại bởi từ trước đến nay nghe nói nhiều đến chuyện hiến máu, hiến thận chứ nào ai đã nghe nói đến chuyện hiến mắt bao giờ.

Người dân mới thấy đội tuyên truyền thấp thoáng ngoài ngõ lập tức đã đóng kín cửa, còn dè bỉu là “đội quân xin mắt” cũng vì nặng tư tưởng "người sống trần sao âm vậy, nếu hiến mắt thì lúc về thế giới bên kia sẽ trở thành ma mù”.

Cũng phải mất thời gian dài "đội quân xin mắt" vận động cả hội người cao tuổi, cha đạo trong xứ, trụ trì các chùa kiên trì tuyên truyền giúp bà con hiểu hiến giác mạc là một thủ thuật y học bóc lớp màng bên ngoài chứ không phải khoét hẳn mắt để lại dị dạng như nhiều người vẫn tưởng.

Ban đầu, quá trình phẫu thuật lấy giác mạc được diễn ra bí mật và nhanh chóng vì sợ dân dị nghị. Ôtô phải đỗ cách xa nhà nửa cây số, các kỹ thuật viên không dám mặc áo blu vì sợ kinh động đến xóm làng. Bản thân những kỹ thuật viên với ca đầu tiên cũng run tay, mất tới 38 phút mới hoàn tất công việc. Nhưng các ca mới đây chỉ lấy hết hơn 15 phút được sự ủng hộ của bà con và tiến hành công khai.

Ngồi đối diện với chúng tôi, đội trưởng “đội quân xin mắt” Kim Sơn nhớ lại như in kỷ niệm về “vố đau điếng” khi ông và anh em trong đội bỏ bao công sức, kiên trì mới vận động được cụ Hưng bị ung thư giai đoạn cuối đồng ‎ý hiến giác mạc…Tưởng đâu đã vào đấy, xe phẫu thuật về để sẵn sàng lấy giác mạc cụ Hưng thì đột nhiên hai người con gái lấy chồng tận Gia Rai về quê đưa tang kiên quyết không cho phẫu thuật, mặc đó là ý nguyện của người mẹ quá cố.

Hay một năm trước, đội vận động được phen đau đầu phải làm bên “hòa giải” cho gia đình cụ Tú ở Cồn Thoi. Họ hàng lên án, gia đình lục đục cho rằng cụ đang tâm khoét mắt con cho người dưng khi đứng ra hiến giác mạc người con gái qua đời vì bệnh hiểm nghèo...

Chính quyền huyện Kim Sơn l‎ý giải sự hiện hữu “con đường ánh sáng” cho người mù đang nức danh ở xứ đạo này không phải nơi nào khác vì người công giáo quan niệm con người có phần hồn và xác. Khi chết quan trọng là hồn về với thiên đàng còn xác cũng sẽ thác gửi về với cát bụi. Với suy nghĩ đó, khi thác gửi về với Chúa họ đã trăn trối lại với con cháu sẽ hiến giác mạc như làm việc thiện cuối cùng để tích đức đời sau.

“Trong mắt người khiếm thị, anh nhìn thấy em”


Theo con đường làng đất đỏ phẳng phiu, uốn lượn giữa cánh đồng lúa đang thì con gái xanh ngăn ngắt, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Kim Thu. Gia đình vừa được Viện mắt Trung ương, Ngân hàng mắt Việt Nam, Tổ chức ORBIS và chính quyền huyện Kim Sơn tôn vinh trước nghĩa cử sau khi qua đời đã hiến tặng giác mạc đem lại ánh sáng cho hai người mù, tháng 4/2009 vừa qua.

Từ trong ngôi nhà ngói 3 gian cũ kỹ, một người đàn ông tuổi đã thất thập cổ lại hy, có nụ cười hồn hậu bước ra chào khách. Nhấp ngụm trà, ông Long chùng giọng kể cho chúng tôi nghe về gia cảnh và người vợ đã quyết định hiến tặng giác mạc trước giờ phút lâm chung...

"Khi nhà tôi còn sống, tôi tham gia đội tuyên tuyền hiến giác mạc. Sau này tôi mới biết nhà tôi đã âm thầm ủng hộ và hiểu rõ về nghĩa cử giàu ý nghĩa nhân văn mà tôi đang làm. Tôi hết sức bất ngờ khi nhà tôi quyết định sẽ hiến giác mạc tặng lại cho những người khiếm thị khi về với Chúa. Hai vợ chồng nhất trí sẽ giữ bí mật, con cháu và xóm làng chỉ biết cho đến phút nhà tôi trăn trối…”

Những ngày đó ông Long đã gồng mình khi ngày ngày đối diện với sự trách móc, hiểu lầm của các con, anh em láng giềng sau khi ông quyết định thực hiện ý nguyện của người vợ hết mực yêu thương.

Mái đầu đã bạc trắng, ông Long nhọc nhằn chịu sự khổ tâm trong thời gian bị làng xóm dè bỉu cho rằng cụ là kẻ “bán mắt vợ cho người sống lấy tiền…”. Cất bước về đến nhà, ông lại cô độc trước ánh mắt trách móc của hai người con rể “sao cha khoét mắt mẹ con đem cho người dưng…”

Nhờ Cha đạo và Hội chữ thập đỏ huyện thường xuyên đến nhà tuyên truyền, động viên gia đình mà dần dần con cháu ông Long cũng hiểu được ý nghĩa nhân văn việc hiến tặng giác mạc của mẹ mình. Đó cũng chính là sức mạnh tinh thần khiến ông đi đến quyết định ngày về với Chúa cũng sẽ hiến giác mạc như món quà ánh sáng tặng những người khiếm thị.

Ông tâm sự: "Nhà tôi mất để lại cho tôi sự trống trải. Nhưng chỉ cần nghĩ bà ấy tặng lại đôi mắt cho những người khiếm thị giúp tôi có niềm lạc quan và xúc động tin rằng nhà tôi vẫn chưa rời bỏ thế gian này. Ở nơi nào đó tôi vẫn được thấy, được cảm nhận sự hiện hữu của vợ mình trong đôi mắt một người khác"./.
Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục