Xử lý những “ông vua con” siêu quyền lực trong cơ chế ngầm

Nhằm phân tích sâu hơn về bản chất những động cơ, mục đích, hệ quả xử lý hành vi phạm tội tham nhũng, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết: "Những “ông vua con” và cơ chế ngầm."
Xử lý những “ông vua con” siêu quyền lực trong cơ chế ngầm ảnh 1Bị cáo Trần Đình Thành (sinh năm 1955, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) khai báo tại phiên Xét xử sơ thẩm Công ty AIC và các đơn vị có liên quan trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Vài năm trở lại đây, một loạt các vụ án kinh tế được các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử; trong đó có nhiều vụ đại án với hàng chục bị cáo phải ra hầu tòa.

Các bị cáo được phân hóa theo các nhóm tội danh khác nhau nhưng đều chung một động cơ là phục vụ lợi ích nhóm. Ẩn chứa sâu xa trong các hành vi này đều đi kèm mục đích cá nhân, lợi ích cá nhân mà tùy từng vụ án có thể làm rõ hoặc không làm rõ được những mục đích này.

Tuy nhiên, dù với mục đích nào cũng đều được thể hiện rõ rệt thông qua các hành vi vi phạm pháp luật, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước… và đều bị xử lý hình sự.

Việc xét xử vi phạm đúng người, đúng tội là lời cảnh tỉnh đối với những hành vi manh nha và góp phần thanh lọc cho thể chế, định hình phương thức ứng xử, làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

Nhằm phân tích và nhìn nhận sâu hơn về bản chất những động cơ, mục đích cũng như hệ quả xử lý những hành vi phạm tội này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 5 bài viết với chủ đề: "Những “ông vua con” và cơ chế ngầm”

Bài 1: Xử lý những “ông vua con” siêu quyền lực

Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ - viết tắt là Công ty AIC), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và 35 bị cáo về các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ.

Trong số đó, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành bị xét xử về hành vi “Nhận hối lộ” tổng số 14,5 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn để chỉ đạo, tác động đến các bị cáo: Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), Bồ Ngọc Thu (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai), Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai) tạo điều kiện cho Công ty AIC được trúng 16 gói thầu thiết bị y tế theo yêu cầu của Nhàn, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 148 tỷ đồng.

[Xét xử vụ AIC: Các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi nghị án]

Bào chữa cho bị cáo Vũ, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đã trích dẫn nhiều lời khai của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành để thể hiện rằng bị cáo Vũ chịu nhiều áp lực khi thực hiện dự án.

Cụ thể, bị cáo Thành nhiều lần gọi cho Vũ dặn dò phải tiếp bị cáo Nhàn, tạo điều kiện cho Công ty AIC được tham gia đấu thầu và trúng thầu. Bản thân bị cáo Vũ cũng khai nhiều lần bị Trần Đình Thành nhắc nhở do Vũ yêu cầu làm đúng quy định trong quá trình Công ty AIC tham gia đấu thầu. Do vậy, luật sư Thiệp kết luận, bị cáo Vũ dù có "gan trời" cũng không dám cãi lệnh Bí thư Tỉnh ủy.

Thực tế, không có bằng chứng cụ thể về việc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn hứa hẹn đưa tiền hoặc lợi ích vật chất cho bị cáo Trần Đình Thành để được hưởng “đặc cách” trong tham gia đấu thầu và trúng thầu. Tuy nhiên, khoản tiền 14,5 tỷ đồng mà bị cáo Nhàn gửi “cảm ơn” bị cáo Thành sau đó đã khẳng định đây như là một “cơ chế ngầm” mặc định, nghiễm nhiên sẽ diễn ra, bất kể có hứa hẹn trước đó hay không.

Sự cám dỗ của vật chất, tiền bạc và các lợi ích khác đã khiến cho những cá nhân giữ trọng trách cao như bị cáo Thành bất chấp nguyên tắc, chỉ đạo định hướng công việc theo ý chí riêng.

Trên thực tế, tại không ít địa phương, cơ quan, doanh nghiệp… bí thư, chủ tịch, tổng giám đốc… trở thành những “ông vua con” siêu quyền lực. Nếu như tại địa phương, đơn vị đó có cơ chế giám sát lỏng lẻo, cơ chế kiểm tra đại khái, cơ chế phát huy dân chủ bị thực hiện qua loa… sẽ là tiền đề biến họ thành kẻ độc đoán, gia trưởng, đặc quyền, đặc lợi. Khi quyền lực càng cao thì nguy cơ tha hóa nhân cách càng lớn nếu không có một cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh.

Chỉ đạo của những “ông vua con” siêu quyền lực này khiến cho cấp dưới phải phục tùng và thực hiện bằng mọi cách. Nhiều cấp dưới đã phục tùng vô điều kiện, bất luận việc đó đúng hay không đúng quy định pháp luật, bất kể việc đó có xâm phạm vào tài sản, lợi ích của Nhà nước hay không.

Câu chuyện này diễn ra khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, thậm chí ở nhiều nơi còn là “vùng cấm” không được chạm đến, để diễn ra trong một thời gian dài, hậu quả ngày càng nghiêm trọng, số tài sản thất thoát của Nhà nước ngày một lớn.

Đầu năm 1999, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ sáu (lần 2, khóa VIII) và đã nhìn nhận một số yếu kém trong Đảng được bộc lộ: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm; bộ máy tổ chức Đảng và Nhà nước chậm củng cố và đổi mới. Từ đó, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) được ban hành với nhiệm vụ ngăn chặn suy thoái từ khi mới manh nha, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nâng cao chất lượng của đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.

Sau khi triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII), nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mặc dù đã đạt một số kết quả đáng kể, nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Tuy nhiên, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, trong đó có nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tháng 1 năm 2018, việc xét xử bị cáo Đinh La Thăng (cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) ghi một dấu mốc đặc biệt trong công cuộc chỉnh đốn Đảng khi lần đầu tiên đưa ra xét xử công khai một cựu Ủy viên Bộ Chính trị. Tiếp đó, nhiều vụ án "khó" đã được xử lý quyết liệt, triệt để.

Xử lý những “ông vua con” siêu quyền lực trong cơ chế ngầm ảnh 2Lực lượng chức năng dẫn giải bị cáo Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) tới phiên tòa xét xử phúc thẩm trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Từ việc xét xử các đại án: 2 cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ trong vụ MobileFone mua AVG; một loạt các đại án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong vụ thâu tóm “đất vàng”; cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong 3 vụ án sai phạm; hai cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Cao Minh Quang trong các vụ án khác nhau… cho đến những vụ án đang được xét xử, mở rộng điều tra hiện nay như vụ Công ty AIC, Việt Á, Trịnh Văn Quyết…

Điều này thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng: Không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không có “kim bài miễn tội” cho bất cứ ai sai phạm; mọi hành vi vi phạm đều phải chịu mức hình phạt tương ứng theo quy định của pháp luật.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhận được sự quan tâm theo dõi và ủng hộ mạnh mẽ trong nhân dân. Người dân ngày càng củng cố niềm tin vào Đảng, vào quyết tâm xây dựng, chính đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng. Mọi công dân dù ở bất cứ cương vị nào, ở đâu cũng phải có ý thức, trách nhiệm, bổn phận thượng tôn pháp luật./.

Bài 2: Quyền lợi cá nhân - Ma lực của cơ chế ngầm

Bài 3: Quay đầu là bờ - Để lựa chọn con đường đúng đắn

Bài 4: Cần dũng khí để đứng sang một bên khi không đủ năng lực

Bài 5: Chống tham nhũng cần hành lang pháp lý minh bạch

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục