Xứ Thanh: Nhiều trải nghiệm mới ở vùng đất địa linh nhân kiệt

Thanh Hóa không chỉ gắn với hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa danh lam, thắng cảnh mà sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng đã và đang trở thành thế mạnh của du lịch vùng đất địa linh nhân kiệt này.
Du khách thả diều giữa bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp Pù Luông. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Du khách thả diều giữa bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp Pù Luông. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Chương trình giới thiệu quảng bá du lịch Thanh Hóa là sáng kiến kịp thời, nhạy bén để vừa hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vừa giới thiệu quảng bá giới thiệu về điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn địa phương.”

[Cổng trời Pù Luông: Khám phá điểm ‘check-in,’ săn mây siêu hot]

Đây là nhận định của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc, trong khuôn khổ Hội nghị giới thiệu “Du lịch Thanh Hóa-điểm đến an toàn, hấp dẫn” vừa diễn ra tại Hà Nội, ngày 20/11.

Tiềm năng du lịch xứ Thanh

Ông Nguyễn Lê Phúc đánh giá Thanh Hóa là tỉnh có vị trí địa lý chính trị quan trọng, kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Hồng với miền Trung và cả nước. Không chỉ có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Thanh Hóa cũng được biết đến như là vùng đất địa linh nhân kiệt, với bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hóa đặc sắc.

Cách thủ đô Hà Nội 154km, với vị trí cửa ngõ hành lang kinh tế Đông-Tây, Côn Minh-Hải Phòng và là trục giao lưu nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ-Nam Bộ, Thanh Hóa có hệ thống giao thông đường bộ huyết mạch với bờ biển dài 102km, có khả năng phát triển giao thông vận tải biển, thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế với thế giới.

Ngoài ra, Thanh Hóa còn có cảng hàng không Thọ Xuân với các tuyến bay nối với Thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Nẵng... và đang được đề xuất nâng cấp trở thành cảng hàng không quốc tế.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, bà Vương Thị Hải Yến, địa phương có hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa danh lam, thắng cảnh, là nơi sinh tụ của 6 dân tộc thiểu số, mỗi tộc người mang một sắc thái riêng, tạo nên bức tranh đa sắc màu của văn hóa xứ Thanh. Ngoài ra, hệ thống văn hóa phi vật thể của Thanh Hóa cũng rất đa dạng và đặc sắc từ các loại hình nghệ thuật, những lễ hội, làng nghề truyền thống...

Xứ Thanh: Nhiều trải nghiệm mới ở vùng đất địa linh nhân kiệt ảnh 1Những chứng tích để xây dựng và bảo vệ Thành nhà Hồ được trưng bày phía trước cổng phía Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Thanh Hóa giờ đây không chỉ được biết là nơi gắn với Di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, quần thể Di tích Văn hóa Hàm Rồng... mà còn các lễ hội truyền thống, quy mô lớn.

Sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã và đang trở thành thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Với việc ưu tiên đầu tư các điểm đến du lịch mới, hạ tầng, nhân lực, tổ chức các dịch vụ, kết nối các tour, tuyến du lịch… đã hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch như: Bản Năng Cát (huyện Lang Chánh), bản Hiêu, bản Đôn (huyện Bá Thước), bản Hang (huyện Quan Hóa), bản Ngọc (huyện Cẩm Thủy), bản Ngàm (huyện Quan Sơn)...

Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch bổ trợ cũng được các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, đưa vào phục vụ khách như sản phẩm du lịch "Ngược xuôi sông Mã," tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn, trải nghiệm du lịch đồng quê, du lịch Động Tiên Sơn-Hàm Rồng, làng Văn hóa dân tộc xứ Thanh-Xứ Thanh Eco-villa (tại thành phố Thanh Hóa); Chương trình trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ (huyện Như Xuân), tại xã Trí Nang (huyện Lang Chánh); chụp ảnh hoa sen trong nội thành thành nhà Hồ, chụp ảnh hoa súng tại khu du lịch động Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc)... bước đầu thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch.

Điểm đến an toàn, hấp dẫn

Theo đại diện lãnh đạo ngành du lịch Thanh Hóa, trong những năm qua, hoạt động đầu tư phát triển du lịch địa phương được quan tâm thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực về cả quy mô và chất lượng; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch không ngừng mở rộng quy mô, từng bước nâng cao chất lượng; sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, chất lượng theo hướng văn minh, lịch sự; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường, có nhiều đổi mới, đa dạng về hình thức tổ chức...

Video giới thiệu các điểm du lịch đặc sắc ở Thanh Hóa:

Trong thời gian tới, Thanh Hóa hướng đến mục tiêu năm 2025 đón 16 triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 17,3%/ năm; tổng thu từ du lịch đạt hơn 45.000 tỷ đồng...

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến du lịch tại Thanh Hóa. Du lịch được đảng bộ Thanh Hóa xác định là ngành kinh tế quan trọng, tạo tiền đề để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tiến tới trở thành ngành kinh tế trụ cột của tỉnh vào những năm 2030.

Ông Nguyễn Lê Phúc chia sẻ: “Tổng cục Du lịch mong muốn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức và chung tay với ngành du lịch cả nước để duy trì, phục hồi và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại trong ngành và tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Thứ nhất, truyền tải mạnh mẽ thông điệp về điểm đến an toàn, hấp dẫn nhằm mang lại niềm tin, sự thoải mái cho nhân dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo cho du khách môi trường du lịch an toàn, an ninh, vệ sinh.”

Các giải pháp khác theo ông Phúc là tập trung phát triển làm mới sản phẩm dịch vụ phù hợp với các thị trường và xu hướng du lịch mới; tăng cường ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ sạch để phát triển sản phẩm, dịch vụ, gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách du lịch.

Lãnh đạo Tổng cục Du kịch cam kết sẽ luôn phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng tỉnh Thanh Hóa, với các doanh nghiệp du lịch trong kết nối đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và tiếp tục những bước chuẩn bị sẵn sàng để chào đón khách quốc tế trở lại Việt Nam khi các điều kiện cho phép trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục