Xung đột tại Đông Bắc Nigeria có thể khiến hơn 1 triệu trẻ thiệt mạng

Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ rõ ở khu vực Hồ Chad, hơn 3,2 triệu người phải đi sơ tán do xung đột cùng với 5,3 triệu người bị thiếu đói ở mức khẩn cấp.
Xung đột tại Đông Bắc Nigeria có thể khiến hơn 1 triệu trẻ thiệt mạng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Ngày 24/6, cuộc xung đột kéo dài 12 năm tại Đông Bắc Nigeria đã khiến 324.000 trẻ em dưới 5 tuổi thiệt mạng.

Đây là nội dung báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 24/6.

Trong báo cáo với tiêu đề "Đánh giá tác động của cuộc xung đột đối với sự phát triển tại Đông Bắc Nigeria," UNDP ước tính số trẻ em thiệt mạng chiếm tới hơn 90% số người thiệt mạng do cuộc xung đột kéo dài 12 năm tại khu vực này.

Đáng chú ý, 314.000 trẻ trong số này thiệt mạng là do nguyên nhân gián tiếp. 

Báo cáo chỉ rõ tình hình bất ổn đã khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp và giao thương sụt giảm, kéo theo việc tiếp cận với lương thực cũng giảm và đe dọa cuộc sống và kế sinh nhai của nhiều hộ gia đình.

[Chủ nghĩa bạo lực cực đoan đe dọa khu vực các nước Tây Phi]

Cuộc xung đột buộc hàng nghìn người dân phải đi sơ tán, họ không thể tiếp cận đầy đủ với lương thực và nhu cầu cơ bản như chăm sóc sức khỏe, trú ẩn và nước sạch, đáng quan ngại hơn trẻ em là những đối tượng dễ bị tổng thương trong tình trạng thiếu thốn này.

UNDP cảnh báo nếu tình hình bạo lực tiếp diễn thêm 10 năm nữa, số trẻ em dưới 5 tuổi thiệt mạng sẽ tăng lên hơn 1,1 triệu trẻ.

Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ rõ ở khu vực Hồ Chad, hơn 3,2 triệu người phải đi sơ tán do xung đột cùng với 5,3 triệu người bị thiếu đói ở mức khẩn cấp.

Tại các bang Đông Bắc Nigeria gồm Borno, Adamawa và Yobe, tình hình nghiêm trọng hơn khi có tới 13,1 triệu người tại đây bị ảnh hưởng. Trong số này, 8,7 triệu người cần viện trợ khẩn cấp.

Khu vực Đông Bắc Nigeria là địa bàn hoạt động của phiến quân Boko Haram, nhóm từ năm 2009 đã nổi dậy thực hiện các vụ bạo lực đẫm máu.

Đến năm 2016, Boko Haram chia tách thành hai nhóm, trong đó có nhóm đối địch - tổ chức Nhà nước Hồi giáo chi nhánh Tây Phi (ISWAP) tự xưng.

Hai nhóm thánh chiến này đã tiến hành nhiều vụ bạo lực để tranh giành quyền lực tại Nigeria.

Bất chấp các chiến dịch truy quét của quân đội chính phủ, tình trạng bạo lực không giảm mà lan sang một số khu vực ở các nước láng giềng Cameroon, Chad và Niger, dẫn tới phải thành lập một liên minh quân sự khu vực để chống lại lực lượng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục