Ý nghĩa của Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong với kinh tế Trung Quốc

Ý nghĩa của Luật An ninh Quốc gia Hong Kong với kinh tế Trung Quốc

Trong bài viết đăng tải trên trang Interpreter, nhà nghiên cứu kinh tế-chính trị Imogen T.Liu cho rằng ổn định chính trị ở Hong Kong là rất cần thiết đối với Bắc Kinh về mặt kinh tế.
Ý nghĩa của Luật An ninh Quốc gia Hong Kong với kinh tế Trung Quốc ảnh 1Khu hành chính đặc biệt Hong Kong. (Nguồn: techinasia)

Một ngày trước khi luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc áp dụng cho Hong Kong chính thức có hiệu lực, Bắc Kinh đã thông báo về chương trình thí điểm Kết nối Quản lý Thịnh vượng (WMC), cho phép cư dân Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Macau và tỉnh Quảng Đông, thuộc dự án Khu vực Vịnh Lớn, tiến hành đầu tư “xuyên biên giới” vào các sản phẩm quản lý tài sản sinh lời.

Việc WMC ra đời, trùng khớp với đạo luật an ninh quốc gia mới được ban bố, đã thể hiện tầm quan trọng ngày càng tăng của nền tảng an ninh quốc gia - một lĩnh vực chính sách không chỉ dành riêng cho nhiệm vụ bảo vệ quân sự, mà còn trở thành công cụ hỗ trợ quan trọng cho việc tăng cường phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Tham vọng kiểm soát Hong Kong của Trung Quốc

Trong bài viết đăng tải trên trang Interpreter của Viện Lowy Australia, nhà nghiên cứu kinh tế-chính trị Imogen T.Liu cho rằng ổn định chính trị ở Hong Kong là rất cần thiết đối với Bắc Kinh về mặt kinh tế.

Hong Kong là một trung tâm tài chính quốc tế hoạt động như "cửa ngõ" nối liền Trung Quốc Đại lục và thị trường thế giới.

Nguyên tắc “Một quốc gia hai chế độ” cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm cả nhà nước, duy trì sự kiểm soát tối đa đối với các doanh nghiệp theo luật thương mại của Đại lục.

Trong nhiều năm qua, sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong luôn được xếp hạng là sàn giao dịch chứng khoán hiệu quả hàng đầu thế giới, dựa trên số tiền thu được từ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO). Chỉ tính riêng quý 1/2020, 96% tổng số quỹ IPO được huy động là dành cho các công ty Trung Quốc ở Đại lục.

Với một hệ thống điều tiết tài chính tự do và giàu kinh nghiệm, Hong Kong được các nhà đầu tư toàn cầu công nhận là thị trường bảo vệ nhà đầu tư mạnh mẽ và minh bạch. Trong bối cảnh đó, bất kỳ mối đe dọa nào tác động tới sự ổn định chính trị của Hong Kong cũng được xem là một rủi ro cho danh tiếng về một thị trường quy chuẩn cao và vị thế của Khu hành chính đặc biệt này như là một trung tâm tài chính quốc tế.

Một thực tế khác là Hong Kong có tầm quan trọng rất cao về mặt địa kinh tế đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nơi đây chính là thị trường cân bằng thanh khoản cho đồng nhân dân tệ, một thị trường giao dịch đồng nhân dân tệ lớn nhất ngoài Trung Quốc Đại lục, chiếm khoảng một nửa dự trữ đồng nhân dân tệ của thế giới vào cuối năm 2018.

Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đã trở thành chính sách ưu tiên của Bắc Kinh nhằm giảm thiểu rủi ro ngoại hối và thu hẹp sự phụ thuộc vào đồng USD.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng mong muốn hội nhập kinh tế khu vực. Chương trình WMC kết hợp với chương trình Bond, một kết nối khác giữa Thượng Hải-Thâm Quyến-Trung tâm Trái phiếu Hong Kong, tiến tới là liên kết thị trường vốn Trung Quốc Đại lục và Hong Kong như một phần của kế hoạch phát triển Khu vực Vịnh Lớn ra mắt năm 2016 nhằm hợp nhất toàn khu vực thành một thực thể kinh tế duy nhất.

Tác động kinh tế của luật an ninh mới tại Hong Kong

Ngay sau khi luật an ninh mới áp dụng cho Hong Kong được thực thi, chỉ số chứng khoán Hang Seng trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong ngày 2/7 đã tăng thêm 1% lên 25.373,12 điểm, chủ yếu nhờ vào sự tăng giá mạnh mẽ từ các công ty bất động sản. Cùng ngày, giá đồng đôla Hong Kong (HKD) cũng gần chạm ngưỡng cao nhất của biên độ giao dịch.

Ngoài ra, lượng cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán Hong Kong cũng ghi nhận mức tăng cao hơn khoảng 50% so với trung bình trong vòng 30 ngày gần nhất.

[Trung Quốc: Luật an ninh quốc gia Hong Kong chính thức có hiệu lực]

Nhà nghiên cứu kinh tế Ben Bland, trong bài nhận định đăng tải trên tờ Australia Financial Review, cho rằng sẽ là không quá ngạc nhiên khi phần lớn các nhà đầu tư và doanh nghiệp tỏ ra ủng hộ, thậm chí kỳ vọng với đạo luật an ninh mới.

Ông Raymond Cheng, chuyên gia phân tích bất động sản tại Công ty CGS-CIMB Securities, nói: "Dù vẫn có biểu tình nhưng số người xuống đường đã giảm đi đáng kể và mức độ nghiêm trọng của các cuộc đụng độ cũng đã ít hơn nhiều so với tình trạng bạo lực vào năm ngoái. Đó là điều trấn an doanh nghiệp."

Ông Michael Hsia, chuyên gia về thị trường vốn của Vantage Capital, bổ sung thêm rằng đạo luật mới đã giúp tình hình trở nên rõ ràng hơn đối với các nhà đầu tư. Trong khi đó, các doanh nghiệp sẽ có thể yên tâm hoạt động hơn khi biết rằng cổ phiếu của họ sẽ được đảm bảo bởi sự can thiệp của nhà nước.

Ông nói: "Dù điều này nghe không mấy tích cực dưới góc độ người phương Tây hay người bên ngoài, nhưng luật an ninh ít nhất đã cho thấy cách Trung Quốc xử lý tình hình hiện nay và sự ổn định của Hong Kong là tối quan trọng."

Mặc dù vậy, theo chuyên gia Bland, sự lạc quan của các nhà đầu tư và doanh nghiệp xuất phát từ tư duy cần chấp nhận một số rủi ro không tránh khỏi trong mọi hoạt động kinh doanh, cộng với tâm lý mong muốn một môi trường ổn định chính trị để áp chế những bất ổn kéo dài tại Hong Kong trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong một quãng thời gian rất ngắn và sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu bỏ qua các tác động của luật an ninh mới áp dụng cho Hong Kong.

Ông phân tích rằng để hiểu được xu hướng dài hạn, các nhà đầu tư cần phải "khảo cứu" những gì đã diễn ra ở Trung Quốc Đại lục và Hong Kong trong vài năm qua. Bên cạnh đó, đạo luật mới sẽ đưa thêm các phương thức quản lý và thực thi từ Trung Quốc Đại lục áp dụng vào Hong Kong.

Phản ứng của các quốc gia phương Tây

Trung Quốc đã tuyên bố nhận được chữ ký ủng hộ của 52 quốc gia thành viên thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và thúc giục các nước khác không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Bản danh sách này hầu hết là các quốc gia chậm và đang phát triển, phần nhiều trong số đó có sự liên hệ với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Một số quốc gia khác, mặc dù không ký tên vào bản danh sách, nhưng khẳng định tôn trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Australia... đã bày tỏ lập trường lo ngại liên quan tới vấn đề Hong Kong.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố chấm dứt việc xuất khẩu quốc phòng có kiểm soát đối với Hong Kong và thực hiện các bước nhằm áp đặt những hạn chế tương tự đối với việc xuất khẩu các công nghệ quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng của Mỹ sang Hong Kong. Ngoài ra, Mỹ cũng chấm dứt quy chế đãi ngộ đặc biệt dành cho Hong Kong. 

Tương tự, Canada cũng thông báo sẽ dừng thực thi hiệp ước dẫn độ giữa nước này và Hong Kong, đồng thời không cho phép xuất khẩu các sản phẩm quân sự nhạy cảm sang Khu hành chính đặc biệt này.

Anh, Australia đều để ngỏ khả năng sẽ cho phép công dân Hong Kong được nhập quốc tịch. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi quốc gia này cần phải bảo vệ người dân Hong Kong. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức cũng lên tiếng thúc giục EU đoàn kết để bày tỏ sự phản đối công khai và có các hành động cụ thể đối với vấn đề nói trên.

Những động thái phản đối từ các chính phủ lớn trên thế giới trong thời gian tới rất có khả năng tạo ra làn sóng "tháo chạy" từ các nhà đầu tư ngoại quốc, đặc biệt là Mỹ.

Các nhà kinh tế học của ngân hàng Citi cho biết hiện có hơn 1.300 công ty Mỹ đang hoạt động ở Hong Kong. Mối đe dọa về trạng thái thương mại đặc biệt của Khu hành chính đặc biệt, cùng các biện pháp trừng phạt của Mỹ, có thể sẽ khiến những công ty này lo ngại và tìm cách chuyển hướng đầu tư sang một thị trường khác an toàn hơn.

Tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia để kiểm soát kinh tế-quân bài không chỉ của riêng Trung Quốc

Luật An ninh Quốc gia áp dụng cho Hong Kong không nằm trong các chính sách kinh tế của Trung Quốc, nhưng báo hiệu một sự thay đổi rộng lớn và cơ bản hơn trong bản chất của sự can thiệp nhà nước vào thị trường. Đây không phải là một điều hoàn toàn mới trên thế giới. Năm 2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua việc thành lập Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS), cơ quan được ủy quyền sàng lọc các dự án đầu tư nước ngoài vào Mỹ trên cơ sở an ninh quốc gia.

Tại Australia, Hội đồng Đánh giá Đầu tư Nước ngoài cũng hoạt động với chức năng tương tự. Và EU, bắt đầu từ tháng 10/2020, sẽ chính thức áp dụng các quy định sàng lọc đầu tư nước ngoài, cung cấp khuôn khổ để xem xét đầu tư trên cơ sở an ninh quốc gia và trật tự công cộng cho các nước thành viên.

An ninh quốc gia là một trong số ít ỏi những lời biện minh cho hành động ngăn chặn đầu tư xuyên biên giới. Cũng như luật an ninh quốc gia áp dụng cho Hong Kong, việc đưa các đạo luật nhằm vào hoạt động đầu tư nước ngoài là việc mở rộng thẩm quyền can thiệp của nhà nước vào các vấn đề kinh tế.

Các chính phủ đã đối phó với dịch COVID-19 bằng cách tăng cường can thiệp nhà nước thông qua các hình thức kích thích tài khóa khác nhau, các gói hỗ trợ tài chính và khai thác quỹ dự trữ khi các cú sốc kinh tế do virus bùng phát đang "ăn sâu" vào hệ thống tài chính toàn cầu. Can thiệp nhà nước mạnh mẽ đến một mức độ nào đó sẽ trở thành trạng thái bình thường hóa. Do đó, không quá xa vời khi những cân nhắc về an ninh quốc gia có thể ngày càng phổ biến hơn trong các chính sách kinh tế của một số quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục