Cá nhân hộ kinh doanh vay vốn vẫn hưởng các quyền lợi như bình thường

Cá nhân hộ kinh doanh vay vốn vẫn hưởng các quyền lợi bình thường vì nguyên tắc của hoạt động ngân hàng là cho vay không chỉ phụ thuộc vào tư cách người vay vốn mà phụ thuộc vào mục đích vay vốn.
Cá nhân hộ kinh doanh vay vốn vẫn hưởng các quyền lợi như bình thường ảnh 1Từ nay trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách cá nhân. (Nguồn: TTXVN)

Theo quy định tại Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 15/3, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn ngân hàng.

Thông tin này đang khiến nhiều chủ hộ, gia đình làm ăn buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ lo ngại vì vay vốn ngân hàng sẽ khó khăn hơn.

Tuy nhiên, theo ý kiến của giới phân tích, quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi vỏ hình thức là tên gọi. Theo đó, từ nay trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa.

Liên quan đến số phận 5,6 triệu hộ kinh doanh không được vay vốn với tư cách là hộ trên giấy tờ mà chỉ được vay vốn với tư cách cá nhân (chủ hộ), ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ pháp chế Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, tại Bộ luật này quy định rõ các chủ thể tham gia vào luật dân sự bao gồm cả các quan hệ vay vốn như quan hệ với ngân hàng chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân.

Theo ông Sơn, quy định này rất khác so với Bộ Luật Dân sự trước đây bao gồm cả các hộ gia đình, hộ kinh doanh. Do vậy, từ ngày 15/3 thì các hộ gia đình, hộ kinh doanh không đủ tư cách chủ thể tham gia vay vốn ngân hàng nữa.

"Tuy nhiên, cá nhân những hộ này vẫn được vay vốn kinh doanh với tư cách của chính cá nhân này, quy định như vậy thì về mặt nguyên tắc hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho các nhu cầu kinh doanh của chính cá nhân đó," ông Sơn khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Basico cũng cho rằng, trước đây pháp luật quy định rất nhiều các loại chủ thể giao dịch ngoài cá nhân, pháp nhân thì còn có hộ gia đình, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân. Bây giờ Bộ Luật Dân sự có hiệu lực từ 2017 chỉ thừa nhận hai chủ thể là cá nhân và pháp nhân nhưng không có nghĩa những đối tượng trên biến mất mà được ghi nhận ở trong Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.

"Nhưng nói về mặt pháp lý, về trách nhiệm thì những chủ thể này không thể là một tổ, một nhóm mà phải là một hoặc một số cá nhân nằm trong tổ hoặc hộ kinh doanh đấy. Việc quy định của Thông tư 39 này không có gì khác so với trước cả. Tôi cho rằng thay đổi chỉ là để chuẩn hóa về mặt pháp lý cho đúng quy định của Bộ Luật Dân sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Bản chất là về kinh doanh, về giao dịch, về lợi ích của các bên nói chung không bị ảnh hưởng," ông Đức cho biết.

Luật sư Trương Thanh Đức và ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ pháp chế chia sẻ về Thông tư 39

Giải thích một số thắc mắc về việc thay đổi như vậy sẽ, quyền lợi của người vay vốn sẽ khặp khó khăn hơn, ông Sơn cho rằng, về tổng thể sẽ không có bất kỳ một thay đổi lớn nào vì nguyên tắc của hoạt động ngân hàng là cho vay không chỉ phụ thuộc vào tư cách người vay vốn mà thông thường phụ thuộc vào mục đích vay vốn như tiêu kinh doanh, tiêu dùng hoặc chi phí vốn đầu vào của các tổ chức tín dụng cũng như mức độ rủi ro của dự án xin vay vốn. Do vậy, về nguyên tắc ngân hàng không phân biệt áp lãi suất do thay đổi tư cách chủ thể vay này.

Ông Đức chia sẻ thêm, theo quy định từ trước đến nay của ngân hàng chỉ có hai trường hợp cho vay chính là cho vay kinh doanh và cho vay tiêu dùng, với doanh nghiêp thường là cho vay kinh doanh, còn cá nhân thì có thể là kinh doanh, có thể là tiêu dùng. Nếu cho vay tiêu dùng thì đã có cơ chế riêng, còn nếu như hộ cá nhân kinh doanh thì đương nhiên vẫn cứ thực hiện theo những quy định về điều kiện kinh doanh, về uy tín, về khả năng trả nợ, về tài sản bảo đảm nên sẽ không ảnh hưởng gì đến lãi suất, hay khả năng vay vốn hoặc yêu cầu về sản xuất kinh doanh.

Theo một số chuyên gia, hộ gia đình là một trong những chủ thể của quan hệ trong Bộ luật Dân sự trước đây (năm 2005). Tuy nhiên, nó đã tạo ra vô vàn rắc rối pháp lý trong thực tế cuộc sống vì tuy có quy định nhưng lại gần như không thể xác định được nếu dựa trên cơ sở pháp lý. Việc Bộ luật Dân sự 2015 loại bỏ hộ gia đình, với tư cách là một chủ thể trong quan hệ dân sự là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải có thời gian cần thiết để các hộ kinh doanh có thể làm lại hợp đồng với ngân hàng khi quy định mới có hiệu lực./.

Trước đó ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Điểm mới đáng chú ý là quy định về đối tượng khách hàng vay vốn, trong đó quy định các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng. Trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, khách hàng vay là cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân.

Về lãi suất cho vay, Thông tư 39 quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thì lãi suất thỏa thuận không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn.

Thông tư 39 cũng bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lãi cho tiền lãi chậm trả, cụ thể: trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục