Đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dược

Trong bốn năm qua, Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng" đã theo dõi và thực hiện 40 đề tài thuộc lĩnh vực y dược.
Đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dược ảnh 1Dây chuyền sản xuất vắcxin tại Nhà máy sản xuất vắcxin Polyvac. (Ảnh: TTXVN)

Giáo sư Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y - Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng” (KC.10/11- 15) - cho hay, đầu tư khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược mang lại hiệu quả kinh tế lớn, mỗi đề tài nghiên cứu đều đưa ra một sản phẩm tại Việt Nam nên giá thành giảm rất nhiều so với giá thành nhập ngoại.

Tại Hội thảo khoa học công nghệ đồng hành cùng với sự phát triển của ngành dược, tổ chức sáng 5/12 tại Hà Nội, giáo sư Khánh dẫn chứng nhiều đề tài khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược đã được ứng dụng để tạo ra nhiều sản phẩm như thuốc, vắcxin, sinh phẩm y tế có chất lượng cao.

Chẳng hạn như Việt Nam đã sản xuất được vắcxin Viêm gan A với giá thành 33.000 đồng/liều, trong khi giá thành vắcxin này ở nước ngoài là 200.000 đồng/liều. Như vậy, với 100.000 liều vắcxin Viêm gan A được sản xuất mỗi năm, Việt Nam đã tiết kiệm được gần 17 tỷ đồng mỗi năm.

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Phạm Gia Khánh cho biết, trong bốn năm qua, Chương trình KC.10/11-15 đang theo dõi thực hiện 69 nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong đó có 16 đề tài tiềm năng, 10 dự án và 40 đề tài thuộc lĩnh vực y dược.

Tất cả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ này đều xuất phát từ những yêu cầu thực tế của ngành, tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ y dược trên thế giới, nghiên cứu triển khai ứng dụng, cải tiến và hoàn thiện các phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp với điều kiện Việt Nam.

“Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc chương trình, các nhà khoa học đã làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến trong ghép đa tạng, công nghệ sinh học, sản xuất vắcxin, nghiên cứu sản xuất thành công nhiều dạng thuốc mới có giá trị cao trên dây truyền công nghệ hiện đại,” giáo sư Khánh nhấn mạnh.

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường khẳng định, trong những năm qua đã có 20 nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước thuộc chương trình triển khai tập trung nghiên cứu tạo ra các dạng bào chế đặc thù như thuốc tiêm đông khô, thuốc giải phóng hoạt chất chậm, thuốc tiêm paclitaxel, vắcxin Rota sống và các thuốc có nguồn gốc từ dược liệu phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã cập nhật và chọn lọc kết quả nghiên cứu ở nước ngoài và triển khai áp dụng đã tiết kiệm về kinh phí và thời gian. Đây là hướng đi đúng cần phát huy trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Lê Quang Cường, trong những năm qua, nhờ khoa học và công nghệ, ngành dược Việt Nam đã có bước phát triển mới. Về công nghệ, các nhà máy đã mạnh dạn đầu tư cho đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại và tiên tiến. Đã có 130 nhà máy sản xuất thuốc và 4 nhà máy sản xuất vắcxin đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới và thuốc sản xuất trong nước chiếm gần 50% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm.

Tại hội thảo, đã có nhiều báo cáo về những thành công trong việc sản xuất một số thuốc điều trị bệnh như: hoàn thiện quy trình sản xuất thuốc tiếp đông khô Carboplatin để điều trị ung thư; bào chế thuốc tiêm liposome doxorubicin điều trị ung thư và liposome amphotericin B điều trị nấm; sản xuất sâm Ngọc Linh sinh khối và báo chế nước tăng lực từ sâm Ngọc Linh sinh khối…

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/1/2014.

Chiến lược nhằm mục tiêu đến năm 2020 có 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng và chữa bệnh, phấn đấu sản xuất được 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ/năm, vắxin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục