Giáo sư Phan Trường Thị - người con miền Nam trên đất Bắc

Như bao người con miền Nam khác, giáo sư địa chất Phan Trường Thị vững vàng vượt qua thử thách cùng đất nước gồng mình đối phó với những khó khăn chồng chất sau chiến tranh.

Bốn mươi năm đã qua sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai đầu Tổ quốc đã tiến một bước dài với nhiều chuyển biến diệu kỳ. Những người con miền Nam năm xưa vững vàng vượt qua thử thách cùng đất nước gồng mình đối phó với những khó khăn chồng chất sau chiến tranh, tái thiết, đổi mới và hội nhập để đưa đất nước thoát nghèo, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Một sáng tháng Tư, trên tầng bốn ngôi nhà số 110 phố Tuệ Tĩnh, một nhà khoa học có vóc dáng thấp nhỏ, tóc bạc da mồi, tuổi trên 80 miệt mài làm việc bên những chồng tài liệu. Xung quanh ông là những cỗ máy móc hiện đại, từ kính hiển vi thạch học có lắp cáp quang, đèn chiếu tia cực tím sóng dài và sóng ngắn, quang phổ kế đến máy đo chiết suất. Ông là giáo sư địa chất Phan Trường Thị - nhà thạch học số một Việt Nam.

"Từ ngày còn đi học, tôi được các chuyên gia Liên Xô dạy về lý thuyết tập hợp trong phân chia các đá Magma. Trong quá trình nghiên cứu, tôi phát hiện lý thuyết này và cách giải thích của các chuyên gia Liên Xô có vấn đề gì đó không hợp lý. Tuy nhiên, khi tôi viết những suy nghĩ trong nghiên cứu của mình mang tính trao đổi, phản biện về lý thuyết đó của các nhà địa chất Liên Xô đăng lên tạp chí thì bị một số đồng nghiệp phê phán là được đào tạo ở Liên Xô mà lại đi phê phán lý thuyết của Liên Xô. Nghe thế, tôi chỉ cười. Đi làm khoa học luôn biết rõ sẽ có mặt trái và phải. Tranh luận khoa học là việc không tránh khỏi, cần phải có những lập luận, căn cứ khoa học để trình bày chứ không phải là chuyện tình cảm nể nang," giáo sư Phan Trường Thị mở chuyện với giọng phóng khoáng.

Theo dòng chuyện của nhà thạch học số một Việt Nam, ông sinh ra ở một làng nghèo thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Hai năm sau tập kết, năm 1956, ông theo học ngành địa chất thăm dò Đại học Bách khoa, sau đó nhận học vị tiến sỹ Đại học Tổng hợp Lomonosov.

Đầu thập niên 1960, Phan Trường Thị bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học và rồi trở thành một trong những chuyên gia hiếm hoi về đá của ngành địa chất Việt Nam.

“Giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, tôi tham gia đoàn địa chất đi vẽ bản đồ địa chất miền Tây Nghệ An. Kết quả của những chuyến đi là hoàn thành việc vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 để phục vụ cho nghiên cứu và khai thác tài nguyên ở đây; đồng thời phát hiện ra cấu trúc bóc vỏ của địa chất Tây Nghệ An. Đây là phát hiện đầu tiên về cấu trúc này ở Việt Nam. Đến năm 1981, khi làm luận án tiến sỹ, tôi đã đưa phát hiện này vào phân loại cấu trúc địa chất để bảo vệ luận án. Từ giữa những năm 1970, khi nghiên cứu về địa khối Kon Tum, một khối địa chất quan trọng để tìm hiểu về cấu trúc địa chất Việt Nam và Đông Dương, tôi đã phát hiện một số trường hợp có độ phóng xạ khác thường. Đó là cơ sở để sau này tôi tham gia thực hiện Chương trình nghiên cứu nguồn năng lượng phóng xạ ở Việt Nam do Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia đưa ra," giáo sư Phan Trường Thị chia sẻ.

Nhắc đến phòng thí nghiệm với những trang thiết bị hiện đại của ông và những người bạn trang lứa cùng tập kết ra Bắc ngày nào, ông nở nụ cười tự hào, cho biết quá trình nghiên cứu và giảng dạy về địa chất và thạch học vừa qua đã giúp ông tổng hợp và biên soạn hai cuốn giáo trình là “Thạch học các đá Magma”“Thạch học các đá biến chất."

Ông bộc bạch: "Cả hai cuốn giáo trình này được Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản và các sinh viên chuyên ngành đều sử dụng trong quá trình học tập. Thế nhưng đó là những đóng góp hết sức nhỏ bé. Có nhiều người con miền Nam trên đất Bắc đóng góp công sức lớn hơn tôi nhiều lần. Và những ngày này, họ vẫn miệt mài lao động, cống hiến góp sức đưa đất nước thoát nghèo, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nổi bật như Anh hùng lao động Thái Phụng Nê - người được Chính phủ Pháp tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh, anh ấy là người trực tiếp đặt nền móng và xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Hơn 50 năm nay, Thái Phụng Nê vẫn miệt mài tham gia xây dựng các công trình thủy điện với vai trò là cố vấn của Thủ tướng Chính phủ tại dự án Thủy điện Sơn La-Lai Châu. Hay như Trần Đình Long - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhà giáo nhân dân, người đặt nền móng cho công trình tải điện siêu cao áp 550KV Bắc Nam…”

Tựa lưng ngay ngắn vào chiếc ghế đặt sát ô cửa sổ trông xuống con phố vắng lặng lẽ người qua, giáo sư Phan Trường Thị nhìn ra phía ngoài, nơi mùa Xuân thống nhất thứ 40 đã về. Không nói ra, song ánh mắt lấp lánh ánh tin tưởng, hy vọng của ông ẩn chứa biết bao điều, ấy là 40 mùa Xuân qua, đất nước có biết bao bao đổi thay đáng tự hào. Góp sức vào sự đổi thay đó có mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của những người con miền Nam năm nào và nay, con em họ đang tiếp tục nối bước cha anh xây dựng hai đầu Tổ quốc bền vững, tươi đẹp hôm nay như chị Đỗ Thị Hồng Nga, bác sỹ chuyên khoa II tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), là con của giáo sư-tiến sỹ-nhà giáo nhân dân-đại tá Đỗ Công Huỳnh; những người con trai, con gái, dâu, rể của giáo sư-tiến sỹ khoa học Viện toán học Nguyễn Minh Chương nối bước ông trở thành các giáo viên, giáo sư, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học Đại học Lomonosov...

Sau 40 năm, thủ đô Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, nơi hai đầu mảnh đất hình chữ S đã trở thành những trung tâm kinh tế, chính trị, hành chính, văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ lớn không chỉ của đất nước mà còn xứng tầm khu vực, sánh vai cùng bạn bè năm châu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục